Lãnh đạo TP.HCM dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn tại gia đình ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo TP.HCM dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ảnh 1Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội (29/3/1982). (Ảnh: Thế Trung/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907-7/4/2017), ngày 4/4, Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Duẩn tại gia đình ở quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự đoàn có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Đoàn đã thành kính dâng hương tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những cống hiến to lớn cho đất nước của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Các thành viên trong đoàn đã cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Duẩn (1907-1986), sinh ra trong một gia đình lao động có truyền thống yêu nước tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với 79 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng ta, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn diễn ra liên tục trên phạm vi cả nước với nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó.

Tiêu biểu, từ năm 1946 đến năm 1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy, rồi Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ miền Nam tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam bộ; từ năm 1954 đến năm 1957, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, đồng chí Lê Duẩn ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng; từ năm 1957, Trung ương cử đồng chí lãnh đạo công việc chung của Đảng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ năm 1960 đến năm 1986 đồng chí giữ cương vị Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục