Lào Cai phấn đấu phát triển Sa Pa thành khu du lịch quốc gia

Lượng du khách đến Sa Pa tăng mạnh sau khi tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai khánh thành đã đặt ra yêu cầu bức thiết trong quản lý và phát triển du lịch với du lịch Lào Cai.
Lào Cai phấn đấu phát triển Sa Pa thành khu du lịch quốc gia ảnh 1Du khách quốc tế đến xã Tả Van, Sa Pa. (Nguồn: TTXVN)

Văn minh, chuyên nghiệp và hiện đại là mục tiêu mà du lịch Lào Cai đang hướng tới. Theo ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, việc lượng khách du lịch lên Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng tăng mạnh sau khi khánh thành tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã đặt ra những yêu cầu bức thiết trong quản lý và phát triển du lịch đối với Lào Cai.

Bởi vậy, các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc, có những động thái tích cực đưa ra những biện pháp trước mắt và lâu dài mang tính chiến lược phát triển du lịch đảm bảo nguồn "cung" đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, phấn đấu phát triển Sa Pa thành khu du lịch quốc gia và đô thị du lịch quốc gia trong tương lai gần.

Cần có bộ máy quản lý và nguồn nhân lực

Theo Đề án "Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011-2015", Lào Cai đặt mục tiêu đào tạo 150 lượt cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, cán bộ nghiệp vụ ở một số huyện, thành phố; đồng thời, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho khoảng 2.000 lượt người dân tộc thiểu số tại các xã phát triển du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho ít nhất 1.000 lượt người lao động tại các đơn vị kinh doanh du lịch thông qua hệ thống đào tạo viên tại các trường đào tạo du lịch trên địa bàn.

Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, không chỉ hệ thống du lịch lữ hành của tỉnh thiếu trầm trọng các hướng dẫn viên đạt trình độ chuẩn mà các điểm du lịch cộng đồng bản làng cũng đang thiếu những hướng dẫn viên người dân tộc thiểu số biết thuyết minh bằng các tiếng phổ thông, tiếng nước ngoài cho du khách am hiểu phong tục cũng như cảnh quan, lịch sử quê hương.

Vì vậy, mục tiêu đào tạo khoảng 1.500 lượt thuyết minh viên am hiểu cả phong tục, lịch sử và biết thêm về ngoại ngữ ở tại các thôn, xã phát triển du lịch là rất cần thiết.

Xét về lâu dài, phát triển du lịch bền vững cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Ngay như các ngành gián tiếp làm du lịch như Hải quan, Kiểm dịch y tế, Bộ đội biên phòng, Công an làm thủ tục xuất nhập cảnh, Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu... cũng cần phải am hiểu, tạo điều kiện, đồng thuận đối với ngành du lịch.

Vì vậy, trong Đề án phát triển kinh tế du lịch 2011-2015 và 2016-2020, Lào Cai đã đưa vào kế hoạch đào tạo từ 2 đến 5 khóa về kỹ năng mềm cho cán bộ các ngành trên.

Bên cạnh đó, các khách sạn, nhà hàng làm công tác dịch vụ cũng phải nâng cao tay nghề cho đội ngũ lễ tân, hướng dẫn viên du lịch bằng việc thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, định kỳ hàng quý, hàng năm tổ chức các cuộc thi tay nghề nấu ăn cũng như kỹ năng giao tiếp tại các quầy bar.

Cùng với việc liên doanh liên kết đào tạo trong và ngoài tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Lào Cai phải là cái nôi đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chính cho du lịch Lào Cai phát triển đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của du khách.

Tại lễ công bố quy hoạch đô thị Sa Pa thành thị trấn du lịch hồi giữa năm 2014, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, bày tỏ vui mừng vì Sa Pa nói riêng đã được Chính phủ chấp nhận cho phép mở rộng thành đô thị du lịch trong tương lai.

Nhưng theo ông, điều đáng lo ngại nhất đối với chính quyền địa phương và những người quan tâm tới du lịch Lào Cai là bộ máy quản lý du lịch từ cấp huyện xuống đến cấp xã còn quá mỏng và yếu nếu không muốn nói là hầu như chưa định hình cụ thể, cán bộ làm du lịch còn kiêm nhiều việc khác và coi việc khác quan trọng hơn.

Do vậy, du lịch Lào Cai muốn phát triển mạnh và bền vững phải có nguồn nhân lực dồi dào qua đào tạo cơ bản và một bộ máy điều hành quy củ, chuyên nghiệp hơn.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật là cấp thiết

Không ngoài dự báo, sau ngày 21/9 - khi đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được khai thông, lượng phương tiện và du khách đến Lào Cai tăng đột biến. Thông thường Lào Cai đón khoảng 23.000 lượt khách/1 tuần, nhưng sau khi thông tuyến, chỉ riêng 2 ngày thứ 7 và Chủ nhật, lượng khách tăng lên từ 10.000-15.000 lượt.

Đây là tín hiệu vui đối với du lịch Lào Cai, song cũng đem đến không ít khó khăn và thách thức, tạo áp lực đáng kể và bức thiết đối với những đơn vị làm công tác quản lý hạ tầng đô thị.

Ông Doãn Văn Hưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh chia sẻ, Sa Pa là điểm nhấn quan trọng của ngành du lịch tỉnh Lào Cai. Việc lượng khách du lịch lên Sa Pa tăng mạnh sau khi khánh thành tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã đặt ra những yêu cầu bức thiết trong quản lý và phát triển du lịch đối với huyện Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Bởi vậy, huyện Sa Pa cũng như các cấp, các ngành phải cùng vào cuộc, có những động thái tích cực đưa ra những biện pháp trước mắt và lâu dài mang tính chiến lược.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các sở, ban, ngành cần phối hợp với huyện Sa Pa bắt tay ngay vào một số nhiệm vụ, như hoàn thiện hồ sơ để tổ chức tư vấn của Mỹ tham vấn trong vấn đề xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai và các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh; có phương án đảm bảo giao thông nội thị, đầu tư nâng cấp một số hạ tầng kỹ thuật đô thị cấp thiết hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá du lịch.

Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các địa bàn trọng điểm Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bảo Yên và Bát Xát là rất cấp thiết.

Đối với thành phố Lào Cai, sau khi đã công nhận thành phố đô thị loại II phải tiếp tục củng cố và mở rộng các khu, cụm, điểm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, mở rộng các tuyến du lịch ngoại ô thành phố, các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, xây dựng và hình thành thí điểm các tuyến du lịch thăm nhà máy, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố, gắn kết giữa các cơ sở dịch vụ du lịch công vụ tại thành phố với các khu, điểm và loại hình du lịch khác trong toàn tỉnh.

Sa Pa sau khi trở thành đô thị du lịch (đô thị loại IV) vào năm 2015 sẽ có hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp, nhưng thân thiện với môi trường có đủ điểm dịch vụ vui chơi giải trí lưu giữ chân khách lâu hơn và các bãi đỗ gửi xe an toàn, tiện lợi hơn.

Đây cũng chính là tuyến du lịch chuyên đề qua ba miền di sản ruộng bậc thang: Mù Cang Chải (Yên Bái) - Sa Pa - Bát Xát (Lào Cai) - Nguyên Dương (Vân Nam - Trung Quốc).

Để giảm tải cho Sa Pa, các điểm, tuyến du lịch khác như Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ. Huyện Bắc Hà sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến các khu vực lân cận; tập trung khai thác du lịch văn hóa chợ phiên, thăm quan di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống; tổ chức các tuyến du lịch mạo hiểu, du lịch leo núi, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái dọc sông Chảy.

Huyện đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch liên huyện trên tuyến Bắc Hà-Lầu Thì Ngài-Tả Van Chư-Cán Cấu-Si Ma Cai, khai thác du lịch lòng hồ tại các công trình thủy điện trên địa bàn; tiếp tục đầu tư, nâng cấp và khai thác sử dụng Nhà du lịch Bắc Hà theo mô hình nhà du lịch Sa Pa.

Tại huyện Bảo Yên, đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh và các điểm di tích lịch sử Đồi Phố Ràng, di tích Nghĩa Đô sẽ được kết nối gắn với việc khai thác và bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa. Phát triển tuyến du lịch kết nối trung tâm huyện với các điểm văn hóa, lịch sử trên địa bàn.

Song song với đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn bộ máy quản lý và phát triển, nâng cao hạ tầng kỹ thuật về du lịch, Lào Cai quan tâm xúc tiến quảng bá du lịch thông qua nhiều hình thức như quảng bá du lịch trên mạng Internet, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm văn hóa, quảng bá trên biển quảng cáo tấm lớn, tổ chức các sự kiện quảng bá và giới thiệu du lịch Lào Cai, tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo về du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục