Lào Cai: Số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con tăng 16%

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, còn rất nhiều khó khăn trong phòng chống tảo hôn và phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con lần đầu; một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn coi tảo hôn là việc bình thường.

Làm mẹ khi còn trẻ, chưa có đủ kỹ năng nuôi con, chăm con, nên mỗi khi con ốm đau, quấy khóc, thực sự vất vả. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Làm mẹ khi còn trẻ, chưa có đủ kỹ năng nuôi con, chăm con, nên mỗi khi con ốm đau, quấy khóc, thực sự vất vả. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, năm 2023, địa phương có 712 phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu, tăng gần 16% so với năm trước đó.

Tỉnh Lào Cai hiện đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai các giải pháp nhằm kéo giảm thực trạng sinh con sớm.

Số phụ nữ sinh con dưới 18 tuổi lần đầu tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa (151 người), huyện Bắc Hà (143 người)... Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh hiện còn 166 trẻ em dân tộc thiểu số chưa được cấp giấy khai sinh.

Những vấn nạn này có liên quan đến tình hình tảo hôn trên địa bàn thời gian qua. Năm 2023, Lào Cai có 112 người chưa đủ tuổi kết hôn sống chung với nhau hoặc sống chung với người khác như vợ chồng (vi phạm tảo hôn), giảm hơn 30% so với năm 2022, đạt chỉ tiêu Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai giao. Trong đó, tảo hôn khi 1 người chưa đủ tuổi kết hôn là 52 người, tảo hôn khi cả 2 người chưa đủ tuổi kết hôn là 60 người (30 cặp); thành phần dân tộc Mông chiếm tới 93,75%.

Trong năm, các địa phương đã tuyên truyền vận động ngăn chặn được 230 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng. Ủy ban Nhân dân cấp xã đã xử phạt vi phạm hành chính 25 vụ đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn với số tiền là 46 triệu đồng. Nhìn chung, tình trạng tảo hôn đang từng bước được Lào Cai ngăn chặn có hiệu quả.

Tuy vậy, theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, còn rất nhiều khó khăn trong phòng chống tảo hôn và phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con lần đầu. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng chấp nhận, chiều theo ý thích của con cái, coi tảo hôn là việc bình thường trong cuộc sống, vì thế việc làm thay đổi suy nghĩ của họ cần có thời gian và thực hiện các hoạt động đồng bộ. Đội ngũ cán bộ ở địa phương nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chưa hiểu, nắm rõ vấn đề tảo hôn.

Nguyên nhân của những khó khăn này bắt nguồn từ phong tục tập quán, nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số; công tác tuyên truyền vận động can thiệp của cấp ủy, chính quyền, thôn bản còn có hạn chế nhất định. Trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, không đủ chi phí cho con đến đi học dẫn đến tình trạng bỏ học và không tìm được việc làm đã tạo tâm lý trong một bộ phận thanh thiếu niên không thích đi học, bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, nhiệm vụ trọng tâm được Lào Cai xác định trong năm 2024 là tăng cường việc can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên, đặc biệt là các đối tượng học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn, sức khỏe sinh sản.

Lào Cai kiên quyết xử lý những người vi phạm về tảo hôn hoặc các hành vi khác vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật; tăng cường lồng ghép kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội của các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện can thiệp làm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.