Năng lượng nói chung và khí đốt nói riêng đang trở thành vấn đề cực kỳ nan giải đối với châu Âu.
Tình trạng thiếu khí đốt không chỉ khiến “lục địa già” có thể phải vật lộn để chống chịu cái rét khắc nghiệt trong mùa Đông tới, mà còn buộc châu lục này phải đưa ra các biện pháp chưa từng có tiền lệ.
Sự khan hiếm khí đốt trở nên trầm trọng hơn sau khi Nga giảm tối đa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu xuống chỉ còn 20% công suất với lý do chưa nhận được tuabin vận hành đường ống “North Stream 1” (Dòng chảy Phương Bắc 1) vốn đang được cất giữ ở Đức sau khi bảo dưỡng ở Canada.
Để ứng phó khẩn cấp với tình trạng thiếu năng lượng cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, kể từ ngày 9/8, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.
Mặc dù là tự nguyện, song kế hoạch “tiết kiệm khí đốt cho một mùa Đông an toàn” vẫn đưa ra đề xuất về một luật mới, cho phép EU có quyền buộc các quốc gia thành viên phải đáp ứng các mục tiêu cắt giảm trong trường hợp đặc biệt tùy thuộc vào mức tiêu thụ và dự trữ của mỗi nước.
Trừ các quốc gia không kết nối với mạng lưới khí đốt của EU và hai nước Hungary, Ba Lan không thông qua kế hoạch trên, mức cắt giảm của các thành viên được tính dựa trên mức tiêu thụ khí đốt trung bình của mỗi nước trong cùng tháng của 5 năm trước đó.
Dù không đạt được sự đồng thuận của tất cả thành viên, kế hoạch cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ của EU là bước đi quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc của khối vào nguồn cung khí đốt của Nga trước mùa cao điểm về tiêu thụ nhiều nhiên liệu.
[Đức tuyên bố sẽ không tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt của Nga]
Theo quy định mới, Đức - nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Âu - sẽ phải tiết kiệm lượng khí đốt tiêu thụ nhiều hơn đáng kể so với các nước EU khác.
Số liệu của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết từ đầu tháng 8/2022 cho đến tháng 3/2023, Đức sẽ phải tiết kiệm khoảng 10 tỷ m3 khí đốt tiêu thụ để có thể đạt mục tiêu mà các nước EU đã đề ra. Lượng khí đốt có thể tiết kiệm được ở Đức tương đương mức tiêu thụ trung bình hằng năm của 5 triệu hộ gia đình 4 người.
Để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho những tháng mùa Đông sắp tới, Chính phủ Đức mới đây thông báo thu phụ phí sử dụng khí đốt từ tháng 10/2022 đến 1/4/2024.
Biện pháp này nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của các công ty kinh doanh khí đốt cũng như bảo đảm duy trì nguồn cung cho người dân và nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck nhấn mạnh, việc thu phụ phí khí đốt không phải là quyết định dễ dàng, song là cần thiết để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho các hộ gia đình cũng như cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Với khoản phụ phí thu được, các công ty nhập khẩu khí đốt của Đức có thể bớt gánh nặng trong việc chuyển sang mua khí đốt từ các nguồn khác.
Ngoài việc phải tìm cách nhập khẩu từ các nguồn thay thế với giá cả đắt hơn gấp nhiều lần, để bù vào lượng thiếu hụt, Đức đã đi đầu trong “chính sách tiết kiệm năng lượng,” với việc giảm 10% mức tiêu thụ của thành phố thông qua việc ngừng chiếu sáng các tượng đài và di tích lịch sử vào ban đêm.
Trong khi đó, Italy và Hy Lạp cũng quy định giới hạn 27 độ C đối với điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng và kể từ tháng Bảy vừa qua, thủ đô Paris của Pháp đã đưa ra mức phạt 150 euro (153 USD) đối với các doanh nghiệp để cửa sổ và cửa ra mở vào trong khi bật điều hòa.
Chính phủ Pháp thậm chí còn cảnh báo các công ty và người dân có thể phải giảm mức tiêu thụ năng lượng trong mùa Đông tới, ngay cả khi lượng dự trữ khí đốt tự nhiên của nền kinh tế lớn thứ hai EU ở mức tối đa.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher, lượng khí đốt dự trữ chiến lược của Pháp đang ở mức 80% công suất và có thể đạt 100% trước ngày 1/11 tới. Dù vậy, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp phải tiết giảm tiêu thụ khí đốt và điện năng bởi có thể vẫn không đủ cung cấp trong trường hợp thời tiết quá lạnh.
Châu Âu đã phải trải qua nhiều biến cố lớn trong thập kỷ qua, từ cuộc khủng hoảng Khu vực đồng euro (Eurozone) đầu những năm 2010, đến cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015 và giờ có thể sẽ đến khủng hoảng năng lượng mùa Đông năm 2022. Lại một lần nữa, sự thống nhất và quyết tâm của “lục địa” bị thử thách.
Giới phân tích cho rằng suy thoái hay lạm phát là điều châu Âu có thể chịu đựng được, bởi lẽ đại dịch COVID-19 cũng từng chứng kiến GDP của Eurozone giảm đến 6% trong năm 2020.
Tuy nhiên, mối đe dọa về năng lượng giờ đây trầm trọng hơn nhiều. Sự thiếu hụt có thể gây ra chính sách “làm hại hàng xóm”. Bởi muốn tích trữ khí đốt đủ dùng cho mình, một số nước có thể ngăn không cho chảy sang nước bên cạnh.
Hơn nữa, chênh lệch về giá bán buôn khí đốt ở các nước EU khác nhau cho thấy rằng các công ty lo ngại sự đổ vỡ trên thị trường đơn lẻ. Các khoản nợ của chính phủ cao hơn bao giờ hết.
Một cú sốc lạm phát đi kèm suy thoái có thể làm dấy lên lo ngại về các vụ vỡ nợ, thậm chí một cuộc khủng hoảng nợ ở Italy có thể đe dọa toàn bộ Eurozone. Đó là chưa kể phản ứng dữ dội lan rộng về giá năng lượng cũng có thể làm xói mòn sự ủng hộ của người dân trên khắp lục địa.
Vài tháng trước, có vẻ như châu Âu vẫn khá “lạc quan” trong việc thoát khỏi kịch bản xấu nhất trong mùa Đông tới, nhờ việc tăng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ và các nguồn cung khác. Tuy nhiên, triển vọng một lần nữa xấu đi.
Sự cố tại một mỏ khí đốt ở Na Uy đang làm gia tăng căng thẳng khi nhu cầu điện để làm mát mùa Hè tăng. Vấn đề lớn nhất là dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu hiện chỉ hoạt động với 20% công suất, nếu không vượt qua “cú sốc năng lượng” này, sự đoàn kết và thống nhất của châu Âu một lần nữa lại bị thử thách./.