Lao động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Cuba sụt giảm

Lượng người lao động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại đảo quốc này vào cuối năm 2015 là 496.400 người, giảm nhẹ so với con số trên 500.000 người theo thống kê vào tháng 6/2015.
Lao động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Cuba sụt giảm ảnh 1Ngành nghề thu hút nhiều lao động ngoài nhà nước là kinh doanh thực phẩm. (Nguồn: havanatimes)

Theo số liệu thống kê chính thức đăng trên nhật báo Lao động của Cuba, lượng người lao động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại đảo quốc này vào cuối năm 2015 là 496.400 người, giảm nhẹ so với con số trên 500.000 người theo thống kê vào tháng 6/2015.

Việc mở rộng việc làm trong lĩnh vực tư nhân - được gọi là tự doanh tại Cuba - là một trong những cải cách chính đề ra trong quá trình “cập nhật mô hình kinh tế-xã hội,” với mục tiêu thu hút 500.000 lao động bị tinh giản từ biên chế nhà nước trong giai đoạn 2011-2015.

Bộ Lao động và An ninh xã hội Cuba cho biết ngành nghề thu hút nhiều lao động ngoài nhà nước nhất trong thời điểm hiện nay là chế biến và kinh doanh thực phẩm, nhà hàng (56.270 người; tiếp đó lần lượt là các ngành giao thông vận tải (50.482), cho thuê nhà ở, phòng ốc (28.634) và dịch vụ viễn thông (24.195).

Trong tổng số lao động nói trên, chỉ có 114.000 người (22%) là làm thuê theo hợp đồng một cách chính thức, chủ yếu là trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, nhà hàng.

65% số lượng người lao động trong lĩnh vực tư nhân tập trung tại các thành phố lớn hoặc các trung tâm du lịch nổi tiếng tại La Habana, Matanzas, Villa Clara, Camagüey, Holguín và Santiago de Cuba.

Cũng theo thống kê này, chỉ có 17% số người lao động trong lĩnh vực tư nhân vẫn tiếp tục duy trì công việc trong nhà nước; lực lượng thanh niên và phụ nữ chỉ chiếm 30% tổng số lao động ngoài nhà nước nói trên, trong khi những người hưu trí đóng góp 12%.

Khi chính phủ Cuba lần đầu tiên chính thức cho phép các hoạt động kinh tế tự doanh vào năm 2011, số loại hình hoạt động được cấp phép là 178 và hiện tại vượt con số 200./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.