Từ ngày 25-28/8, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên Môi trường và Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình quản lý, xử lý các nguồn gây ô nhiễm môi trường tại các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông như: Nước thải sinh hoạt và sản xuất; chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Đây là một trong nội dung thực hiện đề án bảo vệ môi trường tại khu vực lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy giai đoạn 2008-2020.
Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng sẽ khảo sát các cơ sở sản xuất/khu công nghiệp/cụm công nghiệp có xả thải ra lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông để đề xuất định hướng trong giai đoạn mới.
[Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Quyết sách lớn từ "khát vọng xanh"]
Theo kết quả đánh giá chất lượng nước được xây dựng trên cơ sở kết quả quan trắc đợt 3/2020 tại 185 điểm quan trắc môi trường nước ở miền Bắc do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) thực hiện, các "điểm nóng" ô nhiễm môi trường nước vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện; trong đó lưu vực sông Nhuệ-Đáy là một trong những lưu vực sông bị ô nhiễm nặng nhất.
Cụ thể, tại thời điểm quan trắc tháng 4/2020, có tới 50% số điểm quan trắc có giá trị chất lượng nước (WQI) ở mức xấu và 50% điểm quan trắc có giá trị WQI ở mức nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.
Đoạn sông Nhuệ chảy qua nội thành Hà Nội do tiếp nhận nước ô nhiễm sông Tô Lịch và nước thải các làng nghề Hà Nội, mặt khác thời điểm quan trắc tháng 4/2020, nước sông Nhuệ khá cạn (nước tù), nên môi trường nước tiếp tục bị ô nhiễm nặng kéo dài từ Cống Liên Mạc cho đến tận điểm Cự Đà.
Trên sông Đáy, đoạn chảy qua Hà Nội và Hà Nam, nước sông cũng bị suy giảm, thậm chí giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019 (do tiếp nhận một phần nước ô nhiễm từ sông Nhuệ), môi trường nước sông ở mức xấu, nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và mục đích tương đương, đợt tháng 4/2019./.