Ngày 4/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo tham vấn quản lý chất lượng không khí và hướng dẫn kỹ thuật lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Hội thảo nhằm đề xuất những biện pháp mới phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2020.
Tổng cục Môi trường đã phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí cấp tỉnh. Hướng dẫn ở cấp Trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm, cấp tỉnh sẽ do Ủy ban Nhân dân các tỉnh ban hành.
Theo ông Patric Shilager, Quản lý dự án của GIZ, ô nhiễm không khí, trong đó ô nhiễm bụi ở Việt Nam vượt quá hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới 3-4 lần. Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, trong đó có lồng ghép yêu cầu phải quản lý chất lượng không khí.
[TP Hồ Chí Minh thí điểm kiểm tra khí thải xe môtô, xe gắn máy]
Trong các biện pháp, quy hoạch quản lý chất lượng không khí được xem như biện pháp quan trọng. Hội thảo tập trung đưa ra được các giải pháp để giải quyết ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đánh giá của Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường cho thấy, giai đoạn 2016-2020, ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Nhân lực, kinh phí về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Kinh phí đầu tư của Nhà nước cho xây dựng, lắp đặt, duy trì các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế.
Trách nhiệm quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư chưa được phân định rõ ràng. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành có liên quan và các địa phương chưa được chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời khi xảy ra những điểm nóng ô nhiễm không khí.
Ý thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường không khí còn chưa cao; tình trạng xây dựng không bảo đảm yêu cầu về môi trường vẫn xảy ra, tình trạng xả rác bừa bãi, đốt chất thải, phụ phẩm sau thu hoạch vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất, để quản lý chất lượng không khí thành công cần có sự tham gia của Chính phủ, thị trường và cộng đồng.
Các địa phương cần xác định nguồn ô nhiễm chính và tìm cách chữa căn nguyên của ô nhiễm. Các công cụ như thể chế, kỹ thuật, kinh tế… phải được sử dụng một cách hài hòa, trong đó, ưu tiên sử dụng công cụ kinh tế, giảm thiểu phát thải tại nguồn thông qua sản xuất sạch hơn.
Cơ quan chức năng nghiên cứu dán nhãn xanh cho các sản phẩm thân thiện môi trường, thậm chí cân nhắc dán nhãn vàng hoặc đỏ cho các sản phẩm kém thân thiện môi trường, tùy theo mức độ.
Giáo sư Nghiêm Trung Dũng cho rằng, những giải pháp được quan tâm như đào tạo cán bộ kỹ thuật để vận hành trạm quan trắc không khí, xây dựng các giải pháp ứng phó với tình huống cấp bách khi bị ô nhiễm không khí nặng do tác động của điều kiện khí tượng cực đoan hay do sự cố môi trường, sử dụng cách tiếp cận đồng lợi ích trong kiểm soát ô nhiễm không khí, có lộ trình và hàng rào kỹ thuật về thắt chặt tiêu chuẩn thải để giảm dần lượng xe máy, ban hành quy định về sử dụng bê tông ngậm TiO2 khi xây dựng các đường phố và vỉa hè mới, lắp thiết bị xử lý khí thải đối với ô tô mới, thay đổi hành vi lái xe…
Khuyến nghị cho Việt Nam, các chuyên gia của GIZ cho rằng, các biện pháp phải được đảm bảo có thể thực thi và cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm.
Các biện pháp tức thì tập trung thực thi chặt chẽ hơn các yêu cầu hiện có, chú ý các biện pháp phi pháp lý, trong đó đặc biệt nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện các dự án thí điểm về giảm ô nhiễm không khí.
Ví dụ, ngành Giao thông Vận tải treo biển cảnh báo chống chạy xe không tải và có phạt nếu lái xe không tuân thủ quy định…/.