Trung tâm được thành lập với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển Liên hợp quốc, trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.”
Trung tâm do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch Hội đồng bảo trợ.
Theo giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công là nơi nghiên cứu, giảng dạy, tham mưu chính sách, cung cấp các chương trình và sáng kiến nhằm nâng cao hơn nữa bình đẳng giới trong khu vực công và thúc đẩy vai trò đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý.
Trung tâm sẽ thúc đẩy mô hình lãnh đạo vì sự tham gia và đóng góp nhiều hơn nữa của phụ nữ cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trung tâm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan hữu quan để cùng hợp tác, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới. Theo đó, các chỉ tiêu đặt ra: tỷ lệ nữ đạt trên 35% trong Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020; đến năm 2020, 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn khẳng định với hệ thống 6 Học viện trực thuộc, 63 trường chính trị trong cả nước, việc đặt Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công tại Học viện là phù hợp nhất vì tại đây, Trung tâm sẽ có khả năng tác động được đến toàn bộ hệ thống cán bộ lãnh đạo các cấp.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng phụ nữ Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Phụ nữ là trung tâm và là động lực của sự phát triển, là nguồn lực quý giá của quốc gia.
Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển phụ nữ, đặc biệt là thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tuy nhiên, những đóng góp của phụ nữ còn chưa tương xứng với tiềm năng, tính tự ti vẫn là lực cản lớn của phụ nữ nói chung.
Để đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, thúc đẩy vai trò đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý, việc ra đời Trung tâm là rất cần thiết.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh là nơi đào tạo các chức danh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các chương trình đào tạo và tham mưu chính sách cho Đảng, Nhà nước.
Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công ra đời với sứ mệnh thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị và hành chính công, đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tham chính của phụ nữ.
Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng bảo trợ, Phó Chủ tịch nước đề nghị các thành viên trong Hội đồng nhanh chóng xây dựng chiến lược và thực hiện lộ trình phát triển của Trung tâm, chia sẻ, kết nối mạng lưới lãnh đạo nữ trong nước và thế giới.
Tin tưởng Trung tâm sẽ đóng phần quan trọng trong sự phát triển của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nói chung và bình đẳng giới, tăng cường năng lực của phụ nữ nói riêng, Phó Chủ tịch nước mong muốn các tổ chức quốc tế có những hỗ trợ tích cực để Trung tâm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.
Trung tâm Phụ nữ trong chính trị và hành chính công hiện đang triển khai bốn nhóm hoạt động gồm: cung cấp những chương trình đào tạo về lãnh đạo và quản lý sáng tạo; nâng cao và chia sẻ nhận thức về bình đẳng giới và lãnh đạo; thúc đẩy các hoạt động kết nối mạng lưới trong, ngoài nước, xây dựng và triển khai các chương trình giao lưu, bồi dưỡng, cố vấn dành cho các cán bộ nữ đương nhiệm và tài năng; nghiên cứu, tham mưu chính sách và biện pháp về bình đẳng giới.
Điều làm nên sự khác biệt là Trung tâm sẽ tổ chức các khóa đào tạo và các hoạt động xây dựng năng lực cho nữ giới và nam giới nhằm thúc đẩy sự bình đẳng và phát triển bền vững.
Trung tâm tham mưu cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước về quá trình hoạch định và thực thi chính sách dựa trên các nghiên cứu có bằng chứng để khuyến khích và nâng cao vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ các sáng kiến của Trung tâm như thiết lập chương trình kèm cặp giữa những đại biểu Quốc hội đã về hưu và những ứng viên tiềm năng cho nhiệm kỳ 2016-2020 là một bước tiến đáng kể so với những khóa học truyền thống./.