Lấy ý kiến xác định ngày giải phóng của tỉnh Bình Phước

Ngày 15/4, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội nghị lấy ý kiến xác định ngày giải phóng tỉnh với sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt...
Lấy ý kiến xác định ngày giải phóng của tỉnh Bình Phước ảnh 1Các cựu chiến binh tham quan triển lãm các hình ảnh về căn cứ Tà Thiết tại Bình Phước. (Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Thống nhất Đất nước (30/4/1975 -30/4/2015), ngày 15/4, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội nghị lấy ý kiến xác định ngày giải phóng tỉnh với sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử từng sống, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Việc xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Đây sẽ là ngày để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Bình Phước tổ chức các hoạt động kỷ niệm, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết xây dựng tỉnh, qua đó, tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đã hy sinh, đóng góp to lớn cho độc lập, hòa bình và sự phát triển của tỉnh.

Tên gọi tỉnh Bình Phước có từ ngày 30/1/1971, khi Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết sáp nhập hai tỉnh Bình Long, Phước Long thành một đơn vị trực thuộc Trung ương Cục.

Tỉnh Bình Phước là một địa bàn trọng điểm ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quân và dân Bình Phước đã viết nên những trang sử vẻ vang với những địa danh đi vào lịch sử như Đồng Xoài, Lộc Ninh, Chơn Thành, An Lộc, Bình Long, Phước Long..., gắn liền với nhiều chiến công hiển hách.

Trong những chiến công vang dội đó, chiến thắng Lộc Ninh ngày 7/4/1972 là một trong những thắng lợi có ý nghĩa vô cùng to lớn, trở thành “Thủ phủ” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đặc biệt là chiến thắng Phước Long ngày 6/1/1975, một tỉnh lỵ với hơn 50 ngàn dân đầu tiên ở miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Khi đó, một nửa tỉnh Bình Phước ngày nay đã được giải phóng.

Đến ngày 23/3/1975, quận An Lộc, trung tâm của tỉnh Bình Long được giải phóng, buộc địch phải dời về quận Chơn Thành. Ngày 2/4/1975, quận Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh được giải phóng, góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước đưa ra 2 gợi ý để các đại biểu nghiên cứu và trao đổi về việc chọn ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Đó là ngày 23/3/1975 - ngày giải phóng Bình Long và ngày 2/4/1975 - ngày giải phóng Chơn Thành.

Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ý kiến chọn ngày 6/1/1975 - ngày giải phóng Phước Long. Các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử và các đại biểu đã cung cấp cho hội nghị những dẫn chứng lịch sử, luận cứ khoa học, ý kiến tâm quyết, cùng trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, khách quan.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng cho rằng, việc xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là trăn trở lâu nay của nguyên lãnh đạo tỉnh, của cán bộ, chiến sỹ, đảng viên và nhân dân Bình Phước, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa IX phải hoàn thành.

Kết quả hội nghị này là một trong những cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước quyết định mốc thời gian giải phóng tỉnh Bình Phước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục