Lễ hội Nàng Han được người Thái trắng tổ chức vào ngày 15/2 Âm lịch hằng năm tại thôn Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để tôn vinh, tri ân nữ anh hùng Nàng Han - người có công đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Lễ hội cũng được tổ chức nhằm mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, người yên, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.
Năm nay, Lễ hội Nàng Han được tổ chức trong hai ngày 23-24/3 (tức 14-15 tháng 2 Âm lịch).
Lễ hội Nàng Han là nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái trắng xã Mường So nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung.
Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).
Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường, đánh bại giặc xâm lược phương Bắc.
Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời.
Từ đó, nhớ công ơn của nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm.
Đối với người Thái trắng ở Phong Thổ, hình tượng Nàng Han có vai trò vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nàng Han như một vị thần che chở, bảo vệ cho muôn dân, bản mường.
Năm 2007, đền thờ Nàng Han được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp tỉnh.
Năm 2009, Lễ hội Nàng Han được phục dựng và duy trì thường niên hằng năm ở quy mô cấp xã, thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trong và ngoài khu vực tham dự.
Lễ hội Nàng Han gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm nghi lễ cúng Nàng Han; nghi thức cúng sơn thần thổ địa và mó nước Nàng Han.
Trong phần lễ, thầy tế sẽ thực hiện cúng và dâng hương tại Đền thờ Nàng Han với vật phẩm gồm thịt lợn, thịt gà, rượu thơm, hương, hoa, quả, trầu, cau do chính dân bản làm ra. Sau khi hành lễ xong, mọi người từ già đến trẻ đến bên mó nước để lấy nước rửa mặt, cầu bình an, xua đi bệnh tật và những điều rủi ro.
Sang phần hội, mọi người cùng tập trung để thi tài qua các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, én cáy, tó má lẹ, cờ tướng... Đây là môn thể thao truyền thống, thể hiện sức mạnh của mỗi cá nhân và sự chung sức của cả cộng đồng.
Ngoài ra, Lễ hội cũng có phần thi văn nghệ; người đẹp Mường So; thi ẩm thực; trình diễn nghệ thuật múa xòe; trình diễn trò chơi kéo co truyền thống dân tộc Thái...
Ngoài việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, Lễ hội cũng là dịp để giới thiệu, tôn vinh và quảng bá bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo và các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc Thái trắng với đồng bào cả nước.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu, được coi là cái nôi của người Thái trắng, bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo thuộc địa phận xã Mường So, huyện Phong Thổ, cách thành phố Lai Châu khoảng 25km, trên tuyến du lịch Lai Châu-Điện Biên. Bản nằm ở điểm gặp gỡ của hai dòng suối Nậm So và Nâm Lùm, với gần 100 hộ dân cùng hơn 400 nhân khẩu, trong đó 100% là người Thái trắng.
Với những nét văn hóa đặc trưng như nhà sàn truyền thống, văn nghệ dân gian, những lễ hội đặc sắc cùng ẩm thực độc đáo của địa phương, Vàng Pheo là điểm sáng về du lịch cộng đồng của huyện Phong Thổ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung./.