Sau những "hò hẹn," cuối cùng Sơn cũng ra mắt "À ơi..."- CD hát ru mà tên gọi thoáng nghe thấy mộc mạc đấy nhưng lại đủ cô đọng khi nó tập hợp những làn điệu hát ru cổ đầy ngọt ngào, sâu lắng khắp ba miền Bắc-Trung-Nam.
Nói như thế, bởi như lời của một người đàn anh mà Sơn gọi là thầy trong âm nhạc, thì CD "À ơi..." được "nảy" từ cuộc rượu nhiều năm trước. Sơn thường mượn những cuộc "trà dư tửu hậu" như vậy để may say sưa về những điều gã yêu- Là ao chuôm đồng ruộng, là chợ quê, giếng nước, là yếm thắm lụa đào, lời ru của bà, của mẹ... Những thứ với Sơn nay đã thành xa vắng, chỉ còn thoang thoảng trong nhạc và họa.
Để rồi sau từng ấy năm, Sơn miệt mài sưu tầm, biên tập những bài hát ru hay nhất của ba miền. Được thu trên nền nhạc giao hưởng,"À ơi..." là sản phẩm hát ru hoàn chỉnh gần như duy nhất cho đến nay khi tập hợp tám bài hát ru nổi tiếng của Việt Nam.
Trong đó, "À ơi" tập hợp cả ba phiên bản bài hát "Ru con" (Bắc bộ, Nam bộ, Mèo Vạc); hay những điệu hát ru mang đậm bản sắc vùng miền như "Ru em" (Xê Đăng); "Lý Vọng Phu" (dân ca Bình Trị Thiên)…
Ngoài làn điệu, "À ơi..." còn tập hợp nhiều giọng ca được xem là của hiếm của làng nhạc mà Sơn nói đã phải giàu công săn lùng và khai quật từ "hang hốc, xó xỉnh" của quên lãng như nghệ sỹ ưu tú Thúy Hường, Huyền chèo, Thanh Thúy, Hồng Vy, Khánh Linh.
"Thúy Hường là bất ngờ trong sản phẩm này, tôi yêu dân ca nên tôi yêu tiếng hát của chị. Với tôi, sau nghệ nhân Hà Thị Cầu thì giọng hát Thúy Hường là vật báu để chúng ta gìn giữ. Nhưng đã lâu lắm rồi, giọng hát ấy, cái tên ấy dường như đang bị lãng quên… " Lê Minh Sơn chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt ngày 9/9 tại Hà Nội.
Còn với Khánh Linh, một giọng hát đẹp của nhạc nhẹ được Sơn lý giải khi mời hát "Lý Vọng Phu," một bài hát ru dân ca Bình Trị Thiên như sau: "Khánh Linh có giọng hát trong trẻo và cao vút hiếm có. Cô ấy hát nhạc nhẹ, hát ru khi chưa làm mẹ nhưng giọng hát ấy sẽ chạm tới góc tiềm thức ẩn sâu nhất của những người nghe… "
Thế nên trước ý kiến cho rằng Sơn ra đĩa hát ru lúc này không còn hợp thời vì giờ đây các bà mẹ trẻ đã không còn ru con bằng các làn điệu dân ca, hoặc giả có “à ơi” thì cũng là hát những ca khúc ... nhạc trẻ, dễ nghe và dễ nhớ, Sơn nói rằng đó lại chính là lý do để anh làm bằng được sản phẩm này.
“Nhiều người bảo tôi dở hơi khi làm đĩa hát ru này vì giờ ai còn hát ru con như thuở xưa nữa. Ô hay! Sao lại có suy nghĩ chỉ có trẻ con mới nghe hát ru. Tôi cho rằng người lớn mới thực sự cần và thèm được nghe hát ru để họ ru lòng mình, để thiếp đi trong sự mệt mỏi và cô đơn của đời sống. Giữa cuộc sống vất vả, bon chen, gấp gáp và vô cảm thì hát ru chính là thứ âm nhạc còn thiếu. Nó giống như một vé để chúng ta đi về tuổi thơ của chính mình...” nhạc sỹ Lê Minh Sơn chia sẻ.
Sơn còn nói: “Tôi tin rằng không phải họ không yêu các bài hát ru ngày xưa của mẹ, của bà mà hiện nay nó gần như bị lãng quên, chẳng ai còn nhắc nhớ, chẳng ai còn hát nữa. Chẳng ai chọn hát ru để biểu diễn và tôi còn dám chắc rằng sẽ cực hiếm để tìm được một người hát được nguyên vẹn một bài hát ru từ đầu đến cuối cho con, cháu họ nghe...”
Thậm chí khi nói về mình, Sơn cũng “tự thú” bản thân gã khi làm bố cũng từng bị thiếu thốn khi chỉ biết hát ru con bằng những điệu ru tình cờ được nghe và nhớ được. Vậy nên nếu có một cái đĩa tập hợp những bài hát ru cả ba miền thì sẽ đỡ biết bao nhiêu.
“CD hát ru À ơi chẳng để cho một đối tượng cụ thể nào và tôi cũng chẳng kỳ vọng được công chúng đón nhận. Tôi làm trước hết để phục vụ ham muốn và sự thiếu vắng trong tâm hồn tôi…” thực không phải lời nói ngông của Sơn, càng không phải là một cuộc chơi ngẫu hứng. Sơn tin những sức sống của giá trị cốt lõi và tư duy thực tế nắm bắt thị hiếu của thị trường âm nhạc hiện nay khi nói rằng: “Đây là sản phẩm mở đầu cho một loạt dự án dành cho thiếu nhi sắp tới.”
Sơn nêu hai dẫn chứng để nói về nỗi niềm đau đáu của mình “Một nền âm nhạc mà cho đến bây giờ bài hát 'Con cò bé bé' vẫn còn là một thành công vĩ đại của bé Xuân Mai. Các con tôi và cả những đứa trẻ bây giờ vẫn chỉ có bấy nhiêu đó là câu trả lời đầy đau xót cho mảng âm nhạc thiếu nhi gần như bị bỏ rơi trên thị trường băng đĩa.
Hay như cách đây ít lâu, khi xem cậu bé đoạt Quán quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên trình diễn ca khúc ‘Đá trông chồng’ của mình, thay vì thích thú tôi thấy… chát lắm! Tôi đau xót khi nhìn thấy các em đang bị làm khó khi hát ca khúc người lớn. Khi các em chưa hiểu, chưa được trải nghiệm thì sao có thể hát hay được?”
Cùng với bìa đĩa được thiết kế từ màu sắc vàng tươi với ý tưởng đủ gợi hình của cánh cò mỏng manh, u sầu đang quắp đứa trẻ sơ sinh trên chiếc mỏ của nó... cho đến những câu hát đầu tiên "À…
Sơn là vậy, ngoài mặt luôn kiêu ngạo và bất cần nhưng trong thì rất mong manh, tinh tế và dân dã lắm! Tôi vẫn nhớ lời nhận xét của một nhạc sỹ tiền bối về Sơn: "Người khác thì rượu vào lời ra, nói những điều to tát. Sơn nó chỉ khóc, hay khóc lắm!" Thế nhưng Sơn lại đủ làm chỗ dựa cho họ bởi sự ngạo nghễ, rất sâu của gã.
Câu cửa miệng của Sơn luôn là "tôi không bao giờ mong đợi nên chẳng bao giờ tiếc nuối bất cứ điều gì." Nhưng với anh em, bạn bè ai cũng hiểu Sơn là người thực tế. Thực tế ở tư duy và sự nghiêm túc trong âm nhạc. Sơn luôn tin vào những điều mình nói, đã muốn thì sẽ làm bằng được. Thế nên dù luôn hoài nhớ những giá trị truyền thống, nhưng Sơn không ảo tưởng. Sơn nói anh không đa mang níu với tất cả mà chỉ cố gắng chắt lọc để bổ khuyết những giá trị cổ nhưng với anh nó chưa bao giờ là cũ, là không cần thiết với con người hiện đại.
Ngay cả khi hỏi "xoáy" Sơn: “Nếu thiếu và cần thiết như vậy liệu CD 'À ơi' có cháy đĩa sau khi được phát hành? Sơn tỉnh bơ “Kệ chứ! Qua hiện tượng Lệ Rơi tôi nghĩ rằng những người làm nhạc Việt Nam phải cảm ơn cậu ấy vì nhờ đó chúng tôi được thức tỉnh rằng đám đông không phải lúc nào cũng đúng và cần thiết./.