Núi rừng, phố xá, hoa lá… là hiện thực thứ nhất, được nhận thức qua ngũ quan, mắt nhìn, tai nghe, ôm ấp… Tất nhiên ngoài ra còn có nhiều loại hiện thực khác nữa nhưng hiện thực thứ hai là hiện thực của cảm, cảm giác, cảm hứng, cảm tính, hồi ức, hồi tưởng, tưởng tượng, suy tưởng, mơ tưởng, mơ mộng…Hiện thực này gần nghệ thuật và thậm chí cả khoa học nữa.
Khoa học hôm nay “đành phải” thay quan niệm rằng: Điều gì chưa thực chứng được không có nghĩa là nó không đúng.
Khoa học hiện nay đã “đành phải” mơ tưởng, suy tưởng về một điều gì đó , “có thể sẽ là” để con đường của khoa học không bị đi vào ngõ cụt nhất là trong lĩnh vực siêu vật lý (siêu hình/metaphysic).
Nhưng thôi, đây đang nói chuyện nghệ thuật. Nếu cuộc sống chỉ có một hiện thực, chỉ cần có lý, chỉ cần chính xác, cần cân đo đong đếm được, cần đúng thì mới chỉ là một phần cuộc sống, cuộc sống còn cần nghệ thuật.
Cái hiện thực thứ hai gần nghệ thuật vì nó xử lý cái hiện thực thứ nhất, nó sáng tạo lại hiện thực thứ nhất, nó “gần với Chúa,” nó sáng thế. Nó làm cho vô lý, cho sai nhưng… đẹp.
Tạm thế, vì ở đây là đang bàn về thơ của Đoàn Ngọc Thu. Chơi với nhau đã 25 năm, từ tập đầu tiên; Muộn (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2001), tôi thiết kế, vẽ bìa cho Thu đã là 19 năm. Đến nay, qua Quá Giang(Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2005) và Vé Một lượt (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014), tháng Tám này với hai tập Sau Bão (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2020) và Thu Không (Nhà xuất bản Văn học, 2020), đã là 5 tập thơ vừa thiết kế vừa minh họa.
Ấy là chưa kể hồi 2015, đọc bài thơ Bão của Thu, thấy nhiều ẩn dụ, nhiều hình ảnh nên đã chuyển Bão thành thơ – video (Poem video/PV).
Vậy có nghĩa rằng ngoài duyên nợ, nợ duyên thì còn phải cảm được nghệ thuật của nhau mới hợp tác với nhau lâu thế, làm được nhiều thế.
Đoàn Ngọc Thu cảm được quan niệm hội họa và đồ họa tối giản của tôi. Tôi cảm được cái “vô lý,” “vô nghĩa,” cái “không,” cái sai nhưng đẹp, cái vu vơ trong chữ nghĩa của Thu.
Thơ Thu có nhiều gợi ý về hình, về mầu tạo cho người vẽ cảm hứng để “dịch” sang hội họa. Không – không phải là không có gì, không đến độ nào đó, tuổi nào đó thì sẽ có, sẽ đầy ắp vui buồn, được mất, gặp gỡ chia ly… chẳng hạn vậy.
Nếu không có những điều ấy, không sống hết, sống đến tận cùng những trạng thái đối lập ấy thì viết sao được? Thơ sao được?Thu có nhiều câu “thơ không” kiểu như Cơn mưa cũ ướt quãng đường chưa đi hoặc Em ôm buồn trên tay hoặc Từng bước chân người đi về phía không nhau; Đêm cũng ướt rồi, giá lạnh cả hạt mưa…
Nếu không có Không mà chỉ toàn những Có, những nhìn thấy được, những định lượng, định tính được của những hữu thể thì làm gì còn nghệ thuật, còn thơ, còn họa…
Không có Bão mà chỉ tròn vo, đều đặn thì làm gì còn nghệ thuật, làm gì còn thơ, còn họa…
Trong tập Thu Không, có một câu Thu càng tận, càng thêm nông nổi! Nếu không còn “nông nổi,” chỉ vừa phải, đúng mực thì đâu còn nghệ thuật, đâu còn thơ, đâu còn Thu?
Không mà có, vô lý mà có lý, đó là thi pháp Không, thi pháp thơ không, là Thu Không!