Lần đầu tiên ở Việt Nam, một PV (Poem Video) được thực hiện. Đó là câu chuyện về “Bão” - nơi nối dài sự cộng cảm đặc biệt trong nghệ thuật giữa nhà thơ Đoàn Ngọc Thu (bạn văn vẫn gọi là Thu Không) và họa sỹ Lê Thiết Cương.
PV “Bão” ra mắt (tối 2/3 tại Hà Nội) còn tiếp tục kể câu chuyện về cuộc hạnh ngộ giữa “Vé một lượt,” Thu Không cùng những người bạn thân thiết của chị và những nhà hảo tâm với con đường tới trường cho học sinh tại Đồng Mậm (thuộc trường tiểu học Sơn Hải - xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang).
“Cú hích lớn”
PV “Bão” được lấy cảm hứng từ thi phẩm cùng tên trong tập thơ “Vé một lượt”
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2013) của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu.
“Ở Việt Nam, MV (Music Video) đã được làm rất nhiều nhưng PV thì chưa ai thực hiện. Đó là một trong những nguyên nhân gây hứng thú cho êkíp thực hiện. Tất nhiên, lý do chính vẫn là 'Bão' có quá nhiều gợi ý về mặt hình ảnh. Chúng tôi không minh họa cho 'Bão' mà muốn phiên dịch ngôn ngữ thi ca qua ngôn ngữ hình ảnh theo cách cảm riêng về 'Bão',” họa sỹ Lê Thiết Cương nói về lý do ra đời của sản phẩm nghệ thuật đặc biệt này.
Chỉ với thời lượng sáu phút nhưng PV đã tạo nên một hiệu ứng đặc biệt. Những câu thơ nhân vật Em viết lên khung cửa cùng hình ảnh chiếc lá khô cô đơn trôi vào cánh cửa mở hé và ánh nhìn đầy ám ảnh phía sau khung cửa gỗ ở cuối PV… cứ thế nối tiếp nhau “xô đẩy” người xem vào một trận “siêu bão” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Việt Hà).
Sự chuyển cảnh đột ngột, những âm thanh loảng xoảng lạnh lùng của tiếng kính vỡ đan lồng cùng giọng đọc buồn lắng của chính nhà thơ đã mở ra, níu kéo người xem khám phá một không gian đa chiều: “Anh mang giông bão đập vào cánh cửa yên bình của em/ Khuôn mặt mệt mỏi và buồn bã (…)/ Em đốt lò lên và nướng lại bánh mì/ Bật bản Sonata Ánh trăng của Bet và tin/ Bão giông ở ngoài cánh cửa/ Nhưng không chỉ gào thét ngoài kia/ Gió và sự nghiệt ngã của số phận sộc vào/ Lôi cả hai ta vào vùng bão...”
Để cuối cùng, xoáy vào lòng người xem là hình ảnh “Mình em ngơ ngác trong giông tố!”
Có mặt tại không gian LaCa Café (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội) trong buổi ra mắt PV tối qua, anh Đỗ Văn Mạnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ rằng, anh thực sự bị cuốn hút vào PV “Bão.”
“Trước đây, khi chỉ nghe giọng đọc, ngâm thơ đơn thuần, tôi thường cảm thấy buồn và cảm giác uể oải. Thậm chí, đôi lúc, tôi sợ nghe những âm thanh ấy. Tuy nhiên, khi thấy thơ được trình bày dưới hình thức một video (kết hợp hình ảnh, âm thanh và nghệ thuật trình diễn) thì ấn tượng vốn có trong tôi về thể loại này đã mất đi. Thay vào đó, tôi thấy thơ dễ tiếp cận và thú vị hơn nhiều,” anh Mạnh cho biết.
Nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đã gọi đây là “một cú hích lớn” trong nỗ lực tìm kiếm những hình thức thể hiện mới lạ để đưa thơ ca đến gần hơn với công chúng.
Xây tiếp một con đường
Vậy là với PV “Bão,” một lần nữa, Lê Thiết Cương và Đoàn Ngọc Thu lại song hành trong một dự án nghệ thuật với một sự cộng cảm đặc biệt (sau ba lần anh trình bày minh họa cho ba tập thơ “Muộn,” “Quá giang” và “Vé một lượt” của chị).
Lý do mà gã họa sỹ vốn nổi danh cả về tài và sự kỹ tính ấy đưa ra khá đơn giản, khác với độ “dị,” sự khó hiểu người ta vẫnh hình dung về anh: “Thơ Thu hợp với tạng của tôi. Khi đọc, tôi thấy thích và thế là làm thôi!”
Nhà văn Nguyễn Việt Hà bảo, với PV “Bão,” anh cảm nhận được sâu sắc những khuất khúc trong cuộc sống của Thu Không - những điều thường bị mờ lấp sau vẻ mạnh mẽ, cá tính của người phụ nữ trong nhịp sống hối hả thường nhật.
“Thông thường, tôi vẫn coi việc đọc cao hơn việc xem, nghe; bởi khi xem, nghe, ta vẫn có ‘độ nông nổi’ nhất định, khó để cảm nhận đến tận cùng ý tứ của người viết. Thế nhưng, PV ‘Bão’ đã làm hiển lộ được khoảng trống của ngôn từ để người xem cảm được ẩn ý trong thơ Thu Không,” Nguyễn Việt Hà bày tỏ.
Theo gã đàn ông được định danh là người của phố phường Hà Nội này, không phải đàn ông vô cảm hơn phụ nữ nhưng anh tin, cách đón nhận, cảm và viết về ‘bão’ như vậy thì chỉ phụ nữ mới làm được: không cam chịu, khuất phục mà bước đi trong bão để tất cả không bị vỡ nát, cuốn bay theo bão.
“Độ chịu ‘bão’ của đàn ông có vẻ kém bền hơn. Nếu gặp bão, như thường thấy, họ sẽ đập phá hoặc để tất cả bị thổi bay theo ‘bão.’ Chẳng phải ngẫu nhiên mà đa phần những cơn bão lớn, dữ dội nhất trong lịch sử đều được đặt tên theo tên những người phụ nữ - siêu bão Hải Yến năm 2013 chẳng hạn…” nhà văn vui vẻ nói.
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu chia sẻ, êkíp thực hiện PV “Bão” sẽ ủng hộ toàn bộ số tiền thu được từ việc bán CD “Bão” cho việc xây dựng những hạng mục cuối cùng của con đường đưa học sinh nơi “ốc đảo” Đồng Mậm đến trường. Ngay trong buổi ra mắt PV “Bão,” những tấm lòng hảo tâm đã cùng góp được 22,5 triệu đồng.
Hồ thủy điện Cấm Sơn chia cắt xã Sơn Hải thành năm thôn khác nhau; trong đó thôn Đồng Mậm nằm biệt lập như một ốc đảo. Để tới trường, hằng ngày, học sinh Đồng Mậm phải chèo thuyền khoảng hai giờ đồng hồ qua hồ Cấm Sơn.
Suốt hai năm nay, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu cùng những người bạn thân thiết của mình và các nhà hảo tâm tiến hành gây quỹ cho con đường Đồng Mậm. Buổi ra mắt tập thơ “Vé một lượt” (nhà thơ Đoàn Ngọc Thu) kết hợp đấu giá các tác phẩm văn học-nghệ thuật nhằm gây quỹ ủng hộ việc làm đường (vào ngày 16/5/2014) đã thu được số tiền là 200 triệu đồng. Số tiền này đã được trao tận tay đại diện xã Sơn Hải.
“Đây không phải là việc bán-mua mà là một ủng hộ thiện tâm của những người yêu thơ ca, yêu sự sáng tạo nghệ thuật, yêu Lê Thiết Cương và Đoàn Ngọc Thu để cùng tham gia hoàn thiện con đường đi học cho các trẻ nhỏ thôn Đồng Mậm,” nhà thơ-nhà báo Đoàn Ngọc Thu xúc động nói./.
Êkíp thực hiện PV “Bão”:
- Giám đốc nghệ thuật: Họa sỹ Lê Thiết Cương.
- Nghệ sỹ trẻ Nguyễn Thị Thu Trang: Nhân vật Em.
- Nghệ sỹ trẻ Phạm Kỳ Nam: Nhân vật Anh.
- Âm nhạc: Phạm Quang Trần Minh.
- Thiết kế: Nguyễn Hương Giang.
- Thư ký: Kiều Thanh Lý.