Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10, phát động Cuộc thi viết “Noi theo gương sáng Bác Hồ” và giao lưu nghệ thuật chủ đề “Trọn đời theo gương Bác” đã diễn ra tối 7/6 tại Hà Nội.
Cuộc thi do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức.
Được phát động từ tháng 3/2018, Ban Tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ 10 đã nhận được 150 tác phẩm dự thi.
Các tác giả đã phát hiện, tôn vinh nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, người dân... nỗ lực cống hiến cho đất nước và cộng đồng. Họ đã làm được nhiều việc tốt, có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, thực sự là những điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác. Ở họ toát lên phẩm chất yêu nước, thương người, cần cù, sáng tạo, khát vọng vượt khó làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước, hiến “kế sách” cho giáo dục, cổ vũ, bồi đắp nhân tài trong thế hệ trẻ.
Qua hai vòng chấm, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 21 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải, gồm một giải Nhất, hai giải Nhì, ba giải Ba và 15 giải Khuyến khích.
[Khai mạc triển lãm 'Những tấm gương bình dị mà cao quý']
Tại buổi lễ, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã trao giải Nhất tặng tác giả Dương Út (Báo Đồng Tháp, tỉnh Đồng Tháp) với tác phẩm “Ông vua” lúa giống miền Tây.”
Tác phẩm “Ông vua” lúa giống miền Tây” viết về cựu chiến binh Trần Anh Dũng ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), người đã lai tạo thành công sáu giống lúa mới, cho năng suất cao, chất lượng gạo đặc sản thơm ngon. Ông cũng luôn nhiệt tình ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội.
Phát biểu tại lễ trao giải, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chúc mừng các tác giả có tác phẩm đoạt giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý,” các tấm gương điển hình, người tốt việc tốt được tôn vinh.
Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cuộc thi viết là cách làm sáng tạo của Báo Quân đội Nhân dân và nhiều cơ quan, đơn vị trong đẩy mạnh tuyên truyền học tập, làm theo lời Bác.
Qua 10 lần tổng kết trao giải, hàng ngàn tác phẩm đã được đăng tải, quả đó phát hiện, tôn vinh hàng ngàn tấm gương bình dị, cao quý, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội cống hiến cho đất nước, cộng đồng, làm được nhiều việc tốt, việc nghĩa, có sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng.
Ban Tổ chức đã lựa chọn các tác phẩm xuất sắc, xuất bản được 15 tập sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” thuộc tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.”
Nhiều nhân vật điển hình trong các tác phẩm dự thi là nông dân, công nhân gặp khó khăn trong cuộc sống, cán bộ, đảng viên, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài đến cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi biên cương, hải đảo. Họ đã vượt qua khó khăn, gian khổ, vượt lên hoàn cảnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng vì dân, hy sinh quyền lợi riêng tư cho đất nước, xã hội, cộng đồng với nghĩa cử cao đẹp “mình vì mọi người,” là minh chứng sinh động thuyết phục về việc học tập, làm theo gương Bác.
Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ trong số những tác phẩm dự thi và đoạt giải, có khá nhiều tác phẩm viết về tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong công tác dân vận, phong trào dân vận khéo, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận cách làm sáng tạo của Ban Tổ chức đã tạo nên thành công của Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý,” góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, nhân dân, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính,” chí công vô tư. Sự vĩ đại của Người thể hiện tầm cao tư tưởng, ở việc làm, đạo đức, phong cách bình dị, gần dân, có sức thuyết phục mạnh mẽ bởi lời nói của Người luôn đi đôi với việc làm, vì lợi ích tập thể, của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản di chúc thiêng liêng, thể hiện tâm nguyện, ý chí, niềm tin, trí tuệ, trách nhiệm lớn lao của Người với đất nước, nhân dân.
Cách đây 70 năm, ngày 15/10/1949, trong công tác dân vận, Người đã khẳng định “lực lượng của dân rất to lớn, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.” Cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng những chỉ dẫn quý báu của Người luôn sống mãi, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước đi đến thắng lợi.
Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đi xa, ôn lại di chúc và những lời căn dặn của Người là dịp để mỗi cán bộ đảng viên, tổ chức đảng tự soi rọi lại mình, nỗ lực phấn đấu rèn luyện, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, để việc học tập, làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, tự giác, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, chóng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng...
Theo quyết định của Ban Tổ chức, cuộc thi viết lần thứ 11 (2019-2020) được đổi tên thành “Noi theo gương sáng Bác Hồ” nhằm mở rộng đối tượng, nhân vật phản ánh; tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dám nghĩ, dám làm, đặt lợi ích của đất nước, cộng đồng lên trên hết, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành và toàn xã hội...
Tham dự chương trình, công chúng được thưởng thức nhiều ca khúc ca ngợi Bác Hồ, cách mạng đã đi vào lòng các thế hệ người Việt Nam như Liên khúc hát múa “Ca ngợi Hồ Chủ tịch,” “Người là niềm tin tất thắng,” “Bác đang cùng chúng cháu hành quân;” ca khúc “Những bông hoa trong vườn Bác,” “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người,” “Lời ca dâng Bác,” “Bác Hồ một tình yêu bao la”.../.