Lên kịch bản giải quyết tăng giá thép làm dự án "đội" tổng mức đầu tư

Trước biến động tăng giá thép thời gian qua, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị có liên quan dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Lên kịch bản giải quyết tăng giá thép làm dự án "đội" tổng mức đầu tư ảnh 1Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tại Công ty TNHH Thép JFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tại Khu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức vốn đầu tư của dự án là một trong những nội dung Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện trước biến động tăng giá thép thời gian qua.

Để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động giá vật liệu xây dựng và ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Đặc biệt, các bộ có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương cần chỉ đạo đơn vị liên quan đánh giá tác động của dịch COVID-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, đây là những công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, các dự án PPP (đối tác công tư) thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các vấn đề phát sinh liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.

Bên cạnh đó, cần có đánh giá về số lượng dự án, hợp đồng xây dựng bị ảnh hưởng có phân định theo từng hình thức giá hợp đồng và giá trị bị ảnh hưởng của từng dự án, hợp đồng xây dựng. Cần dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến mức tăng tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án.

Việc đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là những hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói cần được thực hiện sớm.

Bộ Xây dựng đề nghị Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam tổng hợp, cung cấp thông tin và kiến nghị của các nhà thầu xây dựng thuộc nhóm các danh mục dự án nêu trên và đề xuất giải pháp tháo gỡ...

[Lý giải nguyên nhân khiến giá thép tăng cao chưa có dấu hiệu giảm]

Theo nhận định của Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường và giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường. Điều này đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

Tại Nghị định số 10/2021/NĐ -CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định "Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết."

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, biến động giá thép và giá một số vật liệu xây dựng chưa được cập nhật kịp thời hoặc đã được cập nhật trong công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương nhưng chưa bám sát diễn biến thị trường.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá thép thời gian qua, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân đầu tiên của giá thép tăng là Trung Quốc đang chiếm tới 60% sản lượng thép thô toàn cầu. Các yếu tố đang chi phối thị trường này gây ảnh hưởng giá thép toàn cầu bao gồm nguồn cung thép thắt chặt theo chính sách của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm; nhu cầu tiêu thụ thép của nước này tăng cao do phục hồi kinh tế; chi phí sản xuất thép của Trung Quốc cũng cao hơn so với các quốc gia làm nhập khẩu bán thành phẩm, đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, điều này đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể hồi phục như trước đại dịch. Điều đó có nghĩa là giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Ngoài ra, hiện giá thép còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển…

Hiệp hội Thép Việt Nam hiện đã có văn bản khuyến nghị tới doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng giá nguyên liệu như hiện nay, việc duy trì được sản xuất của doanh nghiệp cũng được xem là khó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.