Dữ liệu khảo sát do Telsyte, một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường Australia, thực hiện cho thấy doanh số bán các thiết bị điện tử cầm tay của hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc tại Australia trong thời gian từ tháng Một đến tháng Bảy vừa qua đã giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, doanh số bán của các đối thủ khác thuộc cùng lĩnh vực này lại ghi nhận mức giảm nhẹ, với Apple giảm 2% và tổng doanh số bán của các loại thiết bị cầm tay sử dụng hệ điều hành Android giảm 7%.
Theo các nhà phân tích của Telsyte, lệnh cấm công nghệ Huawei của Mỹ đã gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động của tập đoàn này, cụ thể là tại Australia.
Do thiếu hụt phần mềm Google Mobile Service trong hệ điều hành, các mẫu điện thoại của Huawei đã trở nên kém cạnh tranh hơn và không thu hút được khách hàng.
Mặc dù doanh số bán của Apple cũng giảm nhẹ do dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, nhưng Telsyte cho biết thị phần của Apple ở Australia đã tăng thêm 1,1 điểm phần trăm, chiếm 44,3% thị phần và trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh phổ biến nhất tại Australia.
Ông Foad Fadaghi, Giám đốc điều hành của Telsyte, nhận định thành công của Apple một phần là nhờ hãng tung ra mẫu điện thoại iPhone SE, một loại điện thoại giá phải chăng, nhằm vào phân khúc tầm trung hiện do các loại điện thoại sử dụng hệ điều hành Android thống trị.
Ông Fadaghi nói thêm mẫu iPhone SE mới chỉ có mặt trên thị trường từ đầu năm nay nhưng đã chiếm tới 13% doanh số bán sản phẩm của Apple tại Australia, gần bằng doanh số bán của dòng iPhone 11.
[Đế chế Huawei liệu có sụp đổ sau thông báo của Chính phủ Mỹ?]
Trên thị trường thế giới, bất chấp những khó khăn do các lệnh cấm liên quan tới công nghệ của Washington và mối lo ngại về an ninh quốc gia của một số chính phủ phương Tây, gã khổng lồ công nghệ Huawei vẫn vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới trong năm 2020, chủ yếu nhờ vào doanh số bán tại Trung Quốc.
Mặc dù chiếm thị phần cao nhất tại Australia, nhưng Apple chỉ đứng thứ ba thế giới về lượng điện thoại bán ra trong năm nay, sau Huawei và Samsung.
Từ năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty nước ngoài bán vi mạch điện tử cho Huawei trong trường hợp có sử dụng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ trong khâu sản xuất, nhưng vẫn đồng ý cấp cho tập đoàn này giấy phép tạm thời để hỗ trợ các nhà mạng ở khu vực nông thôn, những nơi vẫn sử dụng thiết bị mạng của Huawei và chưa thể chuyển đổi ngay sang nhà cung cấp khác.
Lệnh cấm sau đó đã được gia hạn thêm một năm kể từ tháng Năm vừa qua, cũng như siết chặt thêm việc ban hành giấy phép tạm thời.
Đại diện của Google mới đây xác nhận giấy phép chung tạm thời do Bộ Thương mại Mỹ cấp để doanh nghiệp này giao dịch với Huawei đã hết hạn vào ngày 13/8 vừa qua. Do đó, những chiếc smartphone của Huawei ra mắt trước ngày 15/5/2019, thời điểm bắt đầu áp dụng lệnh cấm, sẽ không còn được cấp phép sử dụng phần mềm Google Mobile Services, nghĩa là không cập nhật được hệ điều hành Android mới, cũng như các dịch vụ Gmail, YouTube, Search... sẽ bị giới hạn.
Việc cấm Google Mobile Services chỉ ảnh hưởng đến smartphone Huawei ngoài Trung Quốc.
Hiện tại, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã có dịch vụ riêng mang tên Huawei Mobile Services. Dịch vụ này đã được cài trên hơn 700 triệu smartphone của hãng trên toàn cầu./.