Ngày 24/3, LG Energy Solution Ltd. (LGES) - công ty con của tập đoàn LG - cho biết sẽ chi 7.200 tỷ won (5,56 tỷ USD) thúc đẩy kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất pin ở bang Arizona (Mỹ). Quyết định được đưa ra sau một thời gian cân nhắc lại do lo ngại chi phí gia tăng.
Trong một thông báo, LGES cho biết sẽ dành 4.200 tỷ won để xây dựng một nhà máy sản xuất pin hình trụ tại Queen Creek, bang Arizona, công suất mục tiêu là 27 gigawatt/giờ (GWh)/năm, đồng nghĩa với việc cung cấp năng lượng cho 350.000 ôtô chạy hoàn toàn bằng điện.
LGES cũng sẽ đầu tư 3.000 tỷ won xây dựng một cơ sở riêng biệt ở cùng địa điểm trên để sản xuất pin lithium iron phosphate (LFP) cho các hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS), với công suất sản xuất hằng năm là 16 GWh. Ngoài ra, LGES sẽ điều hành một nhà máy pin độc lập ở Michigan.
Quyết định trên, được LGES đưa ra trong cuộc họp hội đồng quản trị trước đó cùng ngày, đánh dấu mức tăng mạnh trong khoản đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Arizona so với mức dự kiến 1.700 tỷ won công bố hồi tháng 3/2022.
Khoản đầu tư ban đầu này chưa bao gồm kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất LFP.
[GM và LG Energy Solution từ bỏ kế hoạch xây nhà máy pin thứ tư tại Mỹ]
LGES - công ty sản xuất pin lớn thứ hai thế giới, chỉ sau công ty CATL của Trung Quốc, đã rút lại kế hoạch trên chỉ vài tháng sau đó, với lý do chi phí tăng đột biến trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao.
Tuy nhiên, trong hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến vào tháng Một vừa qua, LGES cho biết đang xem xét đưa kế hoạch trên trở lại đúng hướng.
Theo LGES, nhà máy sản xuất pin hình trụ sẽ được động thổ trong năm nay và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025. Nhà máy này sẽ sản xuất loại pin hình trụ 2170 vốn đang được sử dụng rộng rãi và cung cấp cho các khách hàng lớn của Mỹ.
Trong khi đó, nhà máy sản xuất pin LFP dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động thương mại vào năm 2026.
Hiện, các nhà sản xuất pin của Hàn Quốc - vốn chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp của thị trường pin xe điện, đang chạy đua phát triển các loại pin LFP rẻ hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô toàn cầu muốn đa dạng hóa các loại pin.
Pin LFP ngày càng thu hút được sự chú ý do chi phí rẻ hơn so với pin niken song khả năng tích điện của loại pin này đang là vấn đề thách thức với giới công nghệ./.