Ngày 13/7, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách về gìn giữ hòa bình Herve Ladsous cảnh báo về nguy cơ bùng phát thêm các cuộc giao tranh tại Nam Sudan bất chấp lệnh ngừng bắn đã được thực thi tại nước này trong hai ngày qua sau bốn ngày giao tranh đẫm máu ở thủ đô Juba.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Ladsous bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ bạo lực trở lại và lan sang các vùng khác của Nam Sudan như đã từng xảy ra trước đây.
Ít nhất 272 người bị thiệt mạng trong bốn ngày giao tranh ác liệt tại thủ đô Juba, nhưng ông Ladsous cho rằng con số này chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì nhiều dân thường bị ngăn cản sơ tán tới nơi an toàn.
Ít nhất 42.000 người phải rời bỏ nhà cửa và tạm trú tại các khu lán trại của Liên hợp quốc, nhà thờ và các tòa nhà của cơ quan cứu trợ trong thành phố.
Theo ông Ladsous, quân đội chính phủ dường như hiện đang nắm quyền kiểm soát ở thủ đô, song lực lượng đối lập vẫn ở quanh quẩn phía Tây thành phố, do vậy không loại trừ khả năng xảy ra thêm các cuộc xung đột mới.
Quân đội chính phủ và lực lượng đối lập hiện vẫn đang huy động lực lượng ở nhiều vùng ở Malakal ở khu vực Thượng Nile và ở Leer, bang Unity, càng làm tăng thêm lo ngại về xảy ra giao tranh tại đây.
Liên hợp quốc đang xem xét để nghị khẩn cấp của các nhà lãnh đạo Tây Phi, theo đó triển khai một lực lượng can thiệp tới Juba nhằm đảm bảo an ninh tại sân bay và chia tách các nhóm giao tranh.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo triển khai 47 binh sỹ tới Nam Sudan nhằm bảo đảm an toàn cho các công dân và đại sứ quán Mỹ nơi đây. Trong một thông báo, Nhà Trắng cho biết các binh sỹ này sẽ ở Nam Sudan cho đến khi tình hình an ninh nơi đây ổn định. Trong khi đó, 130 binh sỹ khác đang đồn trú tại Djibouti cũng đã sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Đại sứ quán Mỹ ở Juba cho biết đang tổ chức các chuyến bay di tản cho các nhân viên không quan trọng và tất cả những công dân Mỹ nào muốn rời khỏi Nam Sudan. Mặc dù các chuyến bay cứu hộ vẫn đang vận chuyển hàng trăm nhân viên cứu trợ và người nước ngoài, các chuyến bay thương mại tới Juba vẫn trong tình trạng hủy bỏ.
Giao tranh bùng phát hồi tuần trước tại Juba giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir và những người trung thành với Phó Tổng thống Riek Machar đã làm thiệt mạng hàng trăm người.
Vòng xoáy bạo lực đẫm máu bùng phát và lan rộng thành nội chiến tại Nam Sudan hồi tháng 12/2013, khi Tổng thống Kiir cáo buộc cấp phó của mình Riek Machar âm mưu đảo chính, điều mà ông Machar đã bác bỏ.
Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong hơn hai năm nội chiến tại Nam Sudan, trong khi gần 3 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa và gần 5 triệu người đang phải sống nhờ viện trợ lương thực khẩn cấp.
Thỏa thuận hòa bình đã được ký kết tháng 8/2015, mở đường cho việc thành lập chính phủ chuyển tiếp nhằm chấm dứt nội chiến. Nhưng đến tháng Tư vừa qua, ông Machar mới trở về thủ đô để thành lập chính phủ đoàn kết, trong đó ông được khôi phục chức danh Phó Tổng thống thứ nhất. Tuy nhiên, tiến trình hòa bình đã bị đình trệ vì các nhân vật cứng rắn ở cả hai phe đều không nhất trí với giải pháp đã thỏa thuận và giao tranh vẫn tiếp diễn./.