LHQ cảnh báo nguy cơ có thêm 20 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói

Theo LHQ, số người có mức sống dưới 1,9 USD/ngày năm nay ước tính là 656,7 triệu người, nhưng giá lương thực tăng cao và xung đột ở Ukraine có thể khiến con số này tăng lên 676,5 triệu người.
LHQ cảnh báo nguy cơ có thêm 20 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói ảnh 1Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Kebribeyah, miền đông Ethiopia. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

"Báo cáo về các Mục tiêu phát triển bền vững 2022" của Liên hợp quốc cho thấy nguy cơ có thêm gần 20 triệu người bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine và những tác động tiêu cực của cuộc xung đột như tăng giá lương thực.

Theo báo cáo, số người có mức sống dưới 1,9 USD/ngày trên khắp thế giới trong năm nay ước tính là 656,7 triệu người, nhưng tình trạng giá lương thực tăng cao và những tác động lớn hơn của cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến con số này tăng lên 676,5 triệu người.

Dù mức dự báo này vẫn thấp hơn con số 684,2 triệu người của năm 2021 nhưng cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến thế giới khó có thể đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030, một trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt trong khi tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu, đồng thời gây ra tình trạng hỗn loạn ở các thị trường tài chính.

[Tỷ lệ người dân nghèo đói tại Mỹ Latinh cao nhất trong hai thập kỷ]

Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh quan ngại về nguồn cung lương thực ngày càng gia tăng ở một số quốc gia châu Phi và Trung Đông, những nước phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngũ cốc từ nhà sản xuất nông nghiệp lớn Ukraine.

Theo báo cáo, ít nhất 50 quốc gia nhập khẩu từ 30% trở lên nhu cầu lúa mì là từ Ukraine và Nga - cũng là một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn khác. Đối với nhiều quốc gia châu Phi và những nước kém phát triển nhất thì nhu cầu lúa mì từ Ukraine và Nga chiếm hơn 50% lượng tiêu thụ của họ.

Ngoài vấn đề xung đột, các yếu tố khác như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng gia tăng cũng đang khiến thế giới bị chệch hướng trong nỗ lực đạt được mục tiêu không còn nạn đói vào năm 2030 - một trong những Mục tiêu phát triển bền vững khác của Liên hợp quốc.

Báo cáo cũng cho rằng trong số 100 triệu người (con số kỷ lục) ước tính bị buộc phải rời bỏ nhà cửa tính đến tháng 5 năm nay, có khoảng 6,5 triệu người sơ tán khỏi Ukraine vì xung đột.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Lưu Chấn Dân cho rằng: "Chúng ta phải bắt đầu bằng việc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang và bắt đầu bằng con đường ngoại giao và hòa bình - điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.