Các cuộc đàm phán tại Libya sẽ sớm được nối lại với việc nhà ngoại giao người Đức Martin Kobler trở thành đặc phái viên mới của của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Libya chịu trách nhiệm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở quốc gia Bắc Phi này thay thế ông Bernardino Leon.
Phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết việc bổ nhiệm ông Kobler được Tổng thư ký Liên hợp quốc công bố ngày 4/11.
Đặc phái viên mới của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Libya sẽ tiếp tục sứ mệnh thúc đẩy thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại quốc gia Bắc Phi này và sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với các phe phái tại Libya trong những ngày tới.
Ông Kobler, 62 tuổi, có 30 năm kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, đã từng là Đại sứ Đức tại Iraq và Ai Cập trước khi đảm nhiệm các cương vị Phó Đặc phái viên và Đặc phái viên Tổng thư ký lần lượt tại Afghanistan và Iraq trong giai đoạn 2010-2013.
Trong hai năm qua, ông Kobler giữ chức Trưởng phái bộ Liên hợp quốc ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Với trọng trách mới, nhà ngoại giao kỳ cựu này sẽ phải đối mặt với tình trạng bế tắc trong các cuộc đối thoại của Libya do các bên không thể nhất trí về các chức danh trong chính phủ.
Các cuộc đối thoại hòa bình ở Libya đang rơi vào bế tác do các bên không thể nhất trí về các vị trí trong chính phủ. Ngày 5/11, trong báo cáo cuối cùng trình lên Liên hợp quốc về tình hình Libya, đặc phái viên Bernardino Leon đề xuất tăng số thành viên trong hội đồng tổng thống từ 6 lên 9 người, gồm 1 thủ tướng, 5 phó thủ tướng và 3 bộ trưởng cấp cao.
Phương án này nhằm đảm bảo mở rộng sự chia sẻ quyền lực và tính đại diện tại chính phủ mới. Dự kiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thảo luận về những bước đi tiếp theo tại Libya trong phiên họp cùng ngày sau khi cảnh báo sẽ trừng phạt những ai ngăn chặn thỏa thuận thành lập chính phủ.
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi năm 2011 và nước này hiện có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song.
Theo kế hoạch chuyển tiếp tại Libya, HOR được dân bầu hồi tháng 6/2014 để thay thế GNC. Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo vũ trang Fajir Libya (Bình minh Libya) ủng hộ GNC và lập chính phủ tự xưng đặt tại thủ đô Tripoli, còn chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố cảng Tobruk ở miền Đông Libya.
Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí./.