Ngày 10/12, Liên hợp quốc công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế 2015 cho thấy kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới bất chấp những tàn dư từ cuộc khủng hoảng tài chính, thách thức địa chính trị toàn cầu và đại dịch Ebola ở Tây Phi kìm hãm đà tăng trưởng.
Báo cáo trên cho biết kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3,1% trong năm 2015 và tăng lên thành 3,3% trong năm 2016.
Những con số này đều cao hơn mức tăng trưởng 2,6% của năm nay. Tuy nhiên, phát biểu tại lễ công bố báo cáo, người đứng đầu đơn vị phân tích chính sách và phát triển thuộc Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc Hồng Bình Phàm (Pingfan Hong) vẫn cho rằng thế giới cần cẩn trọng với những tác động không mong muốn đối với kinh tế toàn cầu.
Ông nhấn mạnh: "Mặc dù một số chỉ số kinh tế là tích cực và đúng hướng, nhiều rủi ro và sự không chắc chắn có thể ngăn cản các nỗ lực đưa kinh tế toàn cầu trở lại đúng quỹ đạo và phát triển".
Để giảm thiểu rủi ro và đương đầu thách thức, báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải điều phối chính sách toàn cầu. Đặc biệt, các chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu phải được đưa ra theo hướng hỗ trợ tăng trưởng nhanh và cân bằng, tạo thêm nhiều việc làm và duy trì sự ổn định kinh tế, tài chính trong dài hạn.
Phân tích một số nền kinh tế của các quốc gia và khu vực, báo cáo cho rằng Mỹ có bức tranh kinh tế sáng sủa nhất khi duy trì tăng trưởng hơn 2% năm 2014 và dự báo tiếp tục tăng 2,8% năm 2015 và 3,1% năm 2016. Xu hướng này trái ngược với sự hồi phục ì ạch ở một số nước Tây Âu và sự tăng trưởng chậm lại ở Nhật Bản do tiêu thụ tư nhân giảm.
Cũng theo báo cáo, khu vực Đông Á được dự báo có mức tăng trưởng nhanh nhất trong những năm tới, đạt khoảng 6%. Tuy vậy, việc tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế mới nổi lớn, đặc biệt ở Trung Quốc, sẽ tác động không nhỏ lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bất ổn giá dầu cũng đem lại rủi ro cho các nước xuất và nhập khẩu dầu, trong khi các cuộc khủng hoảng địa chính trị như Ukraine, Iraq, Libya và Syria cản trở sự phát triển kinh tế và là nguồn gốc của sự bất ổn./.