LHQ kêu gọi châu Phi chú trọng phát triển công nghiệp chế biến

Liên hợp quốc cho rằng châu Phi cần tập trung thúc đẩy công nghiệp chế biến vì đây là lĩnh vực mang lại nhiều việc làm cũng như đóng vai trò đòn bẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác.
LHQ kêu gọi châu Phi chú trọng phát triển công nghiệp chế biến ảnh 1Đại diện UNIDO tại châu Phi, ông Emmanuel Kalenzi thăm một triển lãm về công nghiệp chế biến tại Kenya. (Nguồn: Twitter)

Ngày 20/11, Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước châu Phi ưu tiên đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của lục địa 1,2 tỷ dân này.

Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn lời đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại châu Phi Emmanuel Kalenzi cho biết bên cạnh việc chăm lo y tế và giáo dục mà châu Phi thực hiện trong những năm vừa qua, châu lục này cần tập trung thúc đẩy công nghiệp chế biến vì đây là lĩnh vực mang lại nhiều việc làm cũng như đóng vai trò đòn bẩy phát triển nhiều lĩnh vực khác.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Công nghiệp hóa châu Phi (AID 2018) vừa diễn ra tại thủ đô Nairobi của Kenya, ông Kalenzi nhấn mạnh đây là sự kiện ý nghĩa khi UNIDO đang thúc đẩy việc tiến hành kế hoạch Phát triển công nghiệp thập kỷ thứ III cho châu Phi (IDDA III), nhất là khi Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã đưa mục tiêu phát triển công nghiệp vào bốn ưu tiên trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia này.

Theo ông Emmanuel, phần lớn các quốc gia châu Phi từng trải qua một thời gian khủng hoảng kinh tế-xã hội khá dài sau khi giành độc lập, do đó họ đã phải dành nhiều công sức để thiết lập lại cơ cấu xã hội, cũng như khôi phục cơ sở hạ tầng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến phần lớn các quốc gia này chưa thể đưa ra những biện pháp hữu hiệu để phát triển nền kinh tế một cách hiệu quả.

[Việt Nam là mô hình phát triển cơ sở hạ tầng cho nhiều nước châu Phi]

Chính vì vậy, tỷ trọng của lĩnh vực công nghiệp chế biến trong GDP của các nước châu Phi hiện đang ở mức thấp nhất so với bình quân của thế giới.

Tại Kenya, công nghiệp chế tạo mới chỉ chiếm khoảng 11% vào GDP và doanh thu xuất khẩu từ lĩnh vực này cũng đang trong chiều hướng giảm sút.

Nhằm giải quyết thực trạng này, Chánh Văn phòng Bộ Công nghiệp, Thương mại và Hợp tác xã Kenya Peter Munya dẫn chứng rằng chính phủ nước này đã đưa phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến vào danh sách những hạng mục ưu tiên đầu tư hàng đầu, nhằm nâng tỷ trọng lĩnh vực này trong GDP lên 12% vào năm 2022.

Theo ông Peter, Chính phủ Kenya định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp chế tạo bằng việc thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực cũng như tận dụng các lợi thế cạnh tranh của mình để tiến ra thị trường quốc tế.

Hiện tại, Kenya đang có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực như chế biến nông-lâm sản, dệt may, da giày, ôtô, dược phẩm, dầu khí và công nghệ thông tin.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tính đến năm 2017, GDP thực tế của 54 quốc gia châu Phi đạt 6.300 tỷ USD và mức tăng trưởng GDP hằng năm là 3,7%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.