Ngày 12/6, tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố báo cáo mới mang tên “Hành trình của chủ nghĩa cực đoan tại châu Phi.”
Báo cáo này kêu gọi châu Phi cần thực hiện các cách tiếp cận dựa trên phát triển để đối phó với chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
Theo báo cáo, chủ nghĩa bạo lực cực đoan là thách thức lớn nhất đối với châu Phi hiện nay, đã cướp đi mạng sống của khoảng 33.300 người trong giai đoạn từ năm 2011-2016, khiến hàng triệu người phải di rời cũng như tàn phá kinh tế, gây ra thảm họa nhân đạo trên lục địa.
[Hai vụ đánh bom liên tiếp tại Nigeria gây nhiều thương vong]
Bạo lực cực đoan ảnh hưởng sâu sắc đến việc đạt được các mục tiêu phát triển, do vậy, khi tìm kiếm các giải pháp cho tình trạng này, cần phải đặt cách tiếp cận liên quan đến phát triển làm trọng tâm.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, Đại diện thường trú UNDP và Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc Eziakonwa Onichie khẳng định các vụ tấn công do các phần tử cực đoan thực hiện là vấn đề gây quan ngại nhất đối với châu Phi và đe dọa quá trình phát triển tại nhiều nước của châu lục. Bạo lực cực đoan về cơ bản là nguyên nhân dẫn đến thiếu thốn, nghèo đói và cản trở phát triển.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, một mô hình toàn diện cần tích hợp được các yêu cầu dựa trên các trụ cột an ninh và phát triển, phải đảm bảo đầu tư thích đáng cho các cộng đồng ở khu vực xa xôi và biên giới.
Đồng thời báo cáo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý hơn đến những nguyên nhân gốc rễ và các tác nhân thúc đẩy bạo lực cực đoan, kêu gọi thay đổi cách nhìn, chuyển từ “tiếp cận quân sự” sang “tiếp cận phát triển”./.