LHQ kêu gọi giải quyết tình trạng ùn tắc tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen

Hiện các tàu chở ngũ cốc và các loại lương thực khác đến và đi từ cảng của Ukraine đều phải đặt dưới sự giám sát trung tâm điều phối chung (JCC) khi neo đậu tại Thổ Nhĩ Kỳ.
LHQ kêu gọi giải quyết tình trạng ùn tắc tàu chở ngũ cốc qua Biển Đen ảnh 1Tàu M/V Razoni chở 26.000 tấn ngũ cốc rời cảng Odessa của Ukraine để tới Tripoli (Liban) ngày 1/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/10, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng cần nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng hơn 150 tàu hàng trong khuôn khổ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.

Hiện các tàu chở ngũ cốc và các loại lương thực khác đến và đi từ cảng của Ukraine đều phải đặt dưới sự giám sát trung tâm điều phối chung (JCC) khi neo đậu tại Thổ Nhĩ Kỳ.

[LHQ: Gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen là cấp thiết]

Người phát ngôn của Liên hợp quốc về Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen Ismini Palla cho biết có khoảng hơn 50 tàu đang đợi tại Istanbul để dời đi và tình trạng chậm trễ này có nguy cơ gây gián đoạn chuỗi nguồn cung và các hoạt động tại cảng.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva đã đề nghị Liên hợp quốc cung cấp dữ liệu về điểm đến và khách hàng tiêu thụ đầu cuối các lô hàng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine.

Phát biểu tại họp báo, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định việc điều chỉnh thỏa thuận nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển qua Biển Đen sẽ phụ thuộc vào thông tin này.

Ông nêu rõ khoảng 5-7% lượng ngũ cốc xuất khẩu đang đến những nước nghèo nhất, trong khi có khoảng 50% lô hàng xuất khẩu được đưa tới Liên minh châu Âu (EU).

Vào ngày 22/7, tại thành phố Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen có hiệu lực trong vòng 120 ngày, theo đó sẽ hết hạn vào nửa cuối tháng 11 tới.

Ngoài ra còn có một biên bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Nga và Liên hợp quốc về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm.

Trong khuôn khổ thỏa thuận trên, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc đã nhất trí thành lập JCC để giám sát các tàu chở ngũ cốc.

Các bên đang thảo luận về khả năng gia hạn và mở rộng thỏa thuận sau hạn chót vào ngày 19/11 tới.

Liên hợp quốc đã hối thúc việc tham gia đầy đủ, cũng như nêu bật tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp bổ sung để chuỗi cung ứng không bị gián đoạn và sáng kiến này có thể tiếp tục tạo điều kiện cho việc vận chuyển lương thực thiết yếu ra thế giới.

Theo JCC, đến nay, Ukraine đã thực hiện 379 chuyến vận chuyển và xuất khẩu được 8,5 triệu tấn ngũ cốc và các loại lương thực trong khuôn khổ thỏa thuận.

Trước đó, trong tháng này, Điều phối viên của Liên hợp quốc về Sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen Amir Abdulla cho biết đã đề nghị Nga và các bên khác chấm dứt kiểm tra gắt gao các tàu để giảm bớt tình trạng ùn tắc.

Trong khi đó, phía Nga cho rằng thỏa thuận không giúp đưa ngũ cốc tới những nước nghèo nhất, đồng thời bày tỏ hoài nghi về việc liệu có nên gia hạn thỏa thuận này trong tương lai hay không./.
  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.