Ba năm sau chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây lật đổ chế độ của Tổng thống Muammar Gaddafi, giao tranh ác liệt giữa các nhóm vũ trang đối địch cùng sự bất lực của chính quyền lâm thời đang đẩy Libya tiến gần hơn tới một cuộc nội chiến đẫm máu.
Tình trạng hỗn loạn tại Libya đã vượt khỏi tầm kiểm soát, trong khi hoạt động của các cơ quan chính phủ chủ chốt bị tê liệt hoàn toàn. Đất nước rộng lớn giàu tài nguyên thiên nhiên này đang bị chia nhỏ thành các "lãnh địa," đặt dưới quyền cai quản của hàng trăm nhóm vũ trang thuộc nhiều bộ tộc và nhiều vùng miền khác nhau.
Các lực lượng từng chung vai lật đổ Tổng thống Gaddafi quay sang tàn sát lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực và mở rộng vùng kiểm soát. Trong khi đó, các nhóm vũ trang và bộ tộc có liên hệ với chế độ cũ thừa cơ trỗi dậy, quyết giành lại các đặc quyền trước đây.
Một số phong trào Hồi giáo cực đoan lợi dụng tình hình hỗn loạn để tập hợp các tay súng thánh chiến với âm mưu biến quốc gia sa mạc rộng lớn này thành "sân chơi" của chủ nghĩa khủng bố, không chỉ đe dọa các nước láng giềng trong khu vực mà cả các quốc gia bên kia bờ Địa Trung Hải.
Trong bối cảnh chính quyền trung ương hầu như không tồn tại, các nhóm này ra sức hoành hành và cướp phá. Không chỉ ngăn cản các hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô vốn được xem là "động mạch chính" của nền kinh tế Libya, họ còn thường xuyên dùng vũ lực bao vây, phong tỏa trụ sở các cơ quan công quyền, bắt cóc và ám sát các quan chức cấp cao chính phủ nhằm đòi tiền chuộc và gây sức ép đòi chia chác quyền lợi.
Kể từ cuối năm 2013, thủ đô Tripoli và thành phố Benghazi (thủ phủ miền Đông giàu có) đã trở thành địa bàn xâu xé, giành giật giữa liên minh chống Hồi giáo mang tên "Phẩm giá Libya" - gồm các nhóm vũ trang đến từ thành phố miền Tây Zintan và các bộ tộc trung thành với chế độ cũ, với liên minh Hồi giáo "Bình minh Libya" gồm các nhóm vũ trang đến từ thành phố Đông Bắc Misrata và các nhóm thánh chiến đứng đầu là Ansar al-Sharia - tổ chức có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.
Bạo lực leo thang từ tháng Bảy vừa qua giữa các lực lượng đối địch nói trên đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, hàng trăm người thiệt mạng, nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy, các hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Cuộc chiến ngày càng trở nên phức tạp do có sự "chống lưng" của hai khối đối địch trong khu vực giữa một bên là Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và bên còn lại gồm Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, chính trường Libya cũng ngày càng bị chia rẽ sâu sắc. Cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng Sáu vừa qua đã không giúp được gì nhiều để ổn định tình hình mà còn làm bùng phát các mâu thuẫn phe phái và đấu đá quyền lực. Sau khi để mất quyền kiểm soát Quốc hội, phe Hồi giáo đang quyết tâm dùng bạo lực để duy trì vị thế trước các lực lượng tự do và dân tộc chủ nghĩa.
Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm) đã nhóm họp trở lại và chỉ định một nhân vật thân Hồi giáo đứng ra thành lập "chính phủ cứu quốc," đồng thời tuyên bố không công nhận Quốc hội mới do các lực lượng phi Hồi giáo kiểm soát. Thực tế này đồng nghĩa với việc Libya đang có hai quốc hội và hai thủ tướng cùng song song tồn tại.
Tình trạng bất ổn chính trị và an ninh nói trên không chỉ làm ngưng trệ các nỗ lực tái thiết chỉ vừa mới bắt đầu tại Libya mà còn đe dọa nghiêm trọng lộ trình chuyển tiếp chính trị với bốn nội dung triển khai nghị trình của Quốc hội mới, thành lập chính phủ, soạn thảo hiến pháp và thúc đẩy đối thoại dân tộc.
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng hiện nay mới chỉ là giai đoạn đầu của tấn thảm kịch mà Libya sẽ phải đối mặt trong nhiều năm tới. Tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp, nhất là khi các lực lượng thánh chiến và Hồi giáo cực đoan đang trỗi dậy mạnh mẽ tại hàng loạt quốc gia trong khu vực.
Chính quyền Libya đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, dường như phương Tây và các nước trong khu vực vẫn chưa sẵn sàng can thiệp vào quốc gia Bắc Phi này do nguồn lực hạn chế và phải dành ưu tiên cho nhiều hồ sơ cấp thiết khác.
Trong trường hợp can thiệp quân sự, nhiều khả năng quy mô sẽ ở mức hạn chế nhằm ngăn chặn các đường dây buôn lậu vũ khí và phá hủy các căn cứ huấn luyện của các lực lượng Hồi giáo cực đoan và thánh chiến dọc vùng sa mạc phía Đông, phía Tây và phía Nam Libya. Tuy nhiên, thực tế ở Iraq, Afghanistan và cả Libya cho thấy việc áp đặt và can thiệp quân sự từ bên ngoài sẽ chỉ khiến tình hình thêm bất ổn.
Chỉ có người Lybia mới có thể giải quyết được tình hình đất nước thông qua việc thúc đẩy đối thoại dân tộc, phân chia lợi ích công bằng giữa các bộ tộc, tiến tới giải giáp hoàn toàn các nhóm vũ trang và cô lập các lực lượng thánh chiến cực đoan. Cộng đồng quốc tế có thể đứng ra làm trung gian trong các nỗ lực dài hạn, hỗ trợ Libya xây dựng một lực lượng an ninh quốc gia đủ mạnh nhằm từng bước ổn định tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc tái thiết đất nước./.