Ngày 24/8, một vụ hỏa hoạn đã phá hủy hoàn toàn nhà đón khách của sân bay quốc tế ở thủ đô Tripoli của Libya, đồng thời khiến toàn bộ máy bay ở phía trước tòa nhà này cũng như nhiều nhà cửa và văn phòng gần đó bị hư hại.
Vụ việc diễn ra một ngày sau khi các tay súng từ thành phố Misrata (phía Đông Tripoli) tuyên bố chiếm sân bay.
Các nhân chứng cho biết thêm rạng sáng cùng ngày, nhiều máy bay chiến đấu chưa rõ danh tính đã tấn công vào thủ đô. Người dân Tripoli đã nghe thấy tiếng máy bay và nhiều tiếng nổ.
Trong khi các phe phái đối địch đang đổ lỗi cho nhau trên các phương tiện truyền thông, Tướng về hưu Khalifa Haftar đã thừa nhận tiến hành các cuộc không kích vào Tripoli ngày 23 và 24/8, khẳng định các cuộc tấn công này nhằm vào nhóm Hồi giáo thuộc liên minh Fajr Libya (Libya Rạng đông).
Sân bay quốc tế Tripoli, nằm cách thủ đô Tripoli 30 km về phía Nam, đã đóng cửa từ ngày 13/7 sau khi xảy ra giao tranh dữ dội giữa Fajr Libya, chủ yếu gồm các tay súng đến từ khu vực Misrata, với lực lượng Zintan (miền Tây).
Lực lượng Zintan kiểm soát sân bay Tripoli kể từ khi sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, tuy nhiên, ngày 23/8, Fajr Libya đã tuyên bố chiếm sân bay này.
Trong một diễn biến khác, Ai Cập ngày 24/8 bác bỏ cáo buộc của Fajr Libya cho rằng các lực lượng vũ trang nước này đứng đằng sau các cuộc không kích nhằm vào căn cứ của Fajr Libya ở Tripoli.
Phát biểu tại một cuộc họp với các tổng biên tập báo chí trong nước, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi khẳng định Ai Cập "không tham gia bất cứ hành động quân sự nào bên ngoài biên giới nước mình."
Ông cũng bày tỏ lo ngại về an ninh và an toàn của các nước láng giềng đồng thời cho biết thêm rằng Ai Cập đang tiến hành tham vấn với các nước trong khu vực nhằm thiết lập một khuôn khổ chính trị tạo sự ổn định cho Libya.
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết Ngoại trưởng các nước đến từ Libya, Ai Cập, Algeria, Tunisia, Sudan, Chad và Niger sẽ tham gia một hội nghị cấp khu vực về tình hình Libya cũng như các nước láng giềng của nước này.
Trước đó, hồi tháng 7, các Ngoại trưởng của những nước nói trên đã gặp nhau và kêu gọi đối thoại chính trị và thành lập một hội đồng nhằm theo dõi tình hình khủng hoảng ở Libya./.