Libya khôi phục hoạt động sản xuất tại một số mỏ dầu

Các kỹ sư mỏ yêu cầu giấu tên của Libya cho hay việc khôi phục sản xuất dưới mức công suất tối đa của các mỏ này chỉ nhằm mục đích cung cấp điện và nhiên liệu cho các nhà máy trong nước.

Một nhà máy lọc dầu ở Ras Lanuf, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một nhà máy lọc dầu ở Ras Lanuf, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, các nguồn tin tại Libya ngày 1/9 cho biết Công ty Dầu mỏ Vịnh Arab (AGOC) của Libya đã khôi phục sản lượng lên tới 120.000 thùng/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi các hoạt động xuất khẩu dầu vẫn bị phong tỏa, trong bối cảnh bất đồng giữa các phe phái ở Libya khiến hầu hết các mỏ dầu ở nước này phải đóng cửa.

AGOC - đơn vị quản lý và vận hành các mỏ dầu Sarir, Messla và Nafoura của Libya - đã quyết định khôi phục hoạt động sản xuất tại các mỏ do công ty này quản lý.

Các kỹ sư mỏ yêu cầu giấu tên của Libya cho hay việc khôi phục sản xuất dưới mức công suất tối đa của các mỏ này chỉ nhằm mục đích cung cấp điện và nhiên liệu cho các nhà máy trong nước.

Trước đó vào cuối tháng 8/2024, chính quyền ở miền Đông Libya, nơi nắm giữ phần lớn các mỏ dầu của quốc gia Bắc Phi, đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Libya, sau khi chính quyền ở miền Tây Libya sa thải Thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya Sadiq Al-Kabir.

Hàng loạt mỏ dầu ở Libya đã bị phong tỏa khi chính quyền ở miền Đông yêu cầu Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) có trụ sở tại thủ đô Tripoli rút lại quyết định thay thế Thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya (CBL).

Người đứng đầu CBL có vai trò quan trọng trong việc quản lý, kiểm soát và phân phối nguồn doanh thu từ dầu mỏ cho các phe phái đối địch ở Libya. Chính quyền ở miền Đông tuyên bố đóng cửa mọi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của Libya cho đến khi Hội đồng Tổng thống Libya và GNU được quốc tế công nhận tại Tripoli khôi phục chức Thống đốc CBL cho ông Sadiq Al-Kabir.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cho biết việc đóng cửa các mỏ dầu gần đây đã khiến tổng sản lượng dầu thô của quốc gia Bắc Phi này giảm khoảng 63%, giữa lúc xung đột giữa các phe phái đối địch ở miền Đông và miền Tây Libya vẫn diễn biến phức tạp.

Cuộc khủng hoảng xung quanh quyền kiểm soát CBL có nguy cơ đẩy Libya vào tình trạng bất ổn mới. Libya, một trong những nước sản xuất dầu hàng đầu trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), bị chia rẽ giữa chính quyền ở miền Đông và GNU ở miền Tây.

Hồi tháng 7/2024, Libya đã ghi nhận mức sản lượng khoảng 1,18 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.