Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya ngày 22/11 đã bác bỏ kế hoạch hành động mới của Liên hợp quốc do đặc phái viên Liên hợp quốc Ghassan Salame đề xuất, báo hiệu ngõ cụt mới trong các cuộc đàm phán chính trị vốn bế tắc lâu nay giữa các phe phái tại quốc gia Bắc Phi này.
Trong thông cáo, Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya cho biết đã bác bỏ thỏa thuận với Quốc hội ở miền Đông về kế hoạch hành động này trong các cuộc đàm phán ở Tunisia đồng thời xác nhận không liên quan đến quyết định ủng hộ của Quốc hội ở miền Đông.
Tuy nhiên, cơ quan lập pháp ở miền Tây Libya này tuyên bố ủng hộ điều 12 của kế hoạch bổ sung về việc phái bộ của Liên hợp quốc phải có được sự nhất trí của cả Hội đồng ở miền Tây và Quốc hội ở miền Đông về kế hoạch sửa đổi.
Cũng trong thông cáo này, Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya cho biết đã thảo luận về đề xuất tiến hành bầu cử sớm trong vòng 6 tháng dưới sự giám sát của một chính phủ lâm thời do các nhà kỹ trị điều hành.
Trước đó, Quốc hội ở miền Đông Libya đã bỏ phiếu ủng hộ kế hoạch hành động mới do đặc phái viên Liên hợp quốc Salame đề xuất nhằm thổi luồng sinh khí mới cho các cuộc đàm phán chính trị bị bế tắc lâu nay cũng như giải quyết những bất đồng sâu sắc giữa các phe phái.
Kế hoạch hành động mới này được vạch ra nhằm mở đường cho các cuộc bầu cử quốc hội và tống thống trong tương lai cũng như bỏ phiếu cho một dự thảo hiến pháp mới của Libya.
Libya chìm vào bất ổn kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2011 lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi. Nước này bị chia cắt thành hai miền Đông-Tây với các cơ quan lập pháp và chính phủ tồn tại song song, có quân đội riêng và hoạt động theo các khuôn khổ chính trị đối lập.
Cuối tháng 7 vừa qua, nhờ những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Fayez Serraj đại diện cho chính quyền miền Tây đã gặp Tướng Khalifa Haftar chỉ huy quân đội ở miền Đông, tại Paris (Pháp).
Hai bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn đồng thời nhất trí cùng thảo luận về các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội.
Liên quan đến tình hình tại Libya, cùng ngày, Thủ tướng Serraj đã kêu gọi sự thống nhất giữa các thống đốc của Ngân hàng Trung ương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo ông Serraj, sự chia rẽ của Ngân hàng Trung ương đang khiến cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn, và người dân đang phải chịu đựng khó khăn do tình hình này.
Thủ tướng của chính phủ miền Tây cũng kêu gọi các biện pháp và quyết định nhằm thống nhất ngân hàng và đưa ra các chính sách tài chính nhằm giải quyết tình trạng sụt giá của đồng Dinar cũng như chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách.
Libya hiện rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế do sản lượng dầu mỏ, nguồn thu chính của nước này, sụt giảm nghiêm trọng sau nhiều năm đóng cửa các giếng dầu và cảng biển do xung đột./.