Libya ký kết các hợp đồng xây dựng nhà máy điện trị giá 5 tỷ USD

Theo Tổng công ty Điện lực quốc gia Libya, tổng giá trị các hợp đồng xây dựng nhà máy điện mà quốc gia Bắc Phi này ký kết với các đối tác nước ngoài đã lên đến 7 tỷ Dinar (tương đương 5 tỷ USD).
Libya ký kết các hợp đồng xây dựng nhà máy điện trị giá 5 tỷ USD ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: libyaobserver.ly)

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi ngày 4/1 dẫn lời Giám đốc điều hành Tổng công ty Điện lực quốc gia Libya Ali Sasi cho biết tổng giá trị các hợp đồng xây dựng nhà máy điện mà quốc gia Bắc Phi này ký kết với các đối tác nước ngoài đã lên đến 7 tỷ Dinar (tương đương 5 tỷ USD).

Theo ông Sasi, tổng giá trị này bao gồm cả những hợp đồng được ký kết trước năm 2011 và các dự án khẩn cấp mới được ký kết trong vài tháng qua.

Chỉ riêng trong tháng 8/2017, Tổng công ty Điện lực quốc gia Libya đã ký với công ty Siemens của Đức các hợp đồng trị giá 824 triệu USD để xây dựng 2 nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt ở Libya.

Phần lớn các thành phố của Libya có thời gian mất điện lên đến 12 giờ/ngày, đặc biệt trong mùa Đông và mùa Hè.

Lượng điện thiếu hụt hàng ngày lên đến 2.000MW trong khi sản lượng điện hiện nay không thể vượt quá 5.500MW/ngày.

Hiện có nhiều dự án đang được triển khai thực hiện tại các vùng khác nhau của đất nước, bao gồm Sirte, Tripoli, Zwitina và Obari với tổng công suất lên đến 4.000MW.

Các nhà máy điện được hoàn thành sẽ giúp Libya chấm dứt tình trạng thiếu hụt điện và thậm chí dư thừa và có khả năng xuất khẩu.

Ông Sasi cho biết ngành điện Libya đã mất 1,5 tỷ Dinar (tương đương 1,1 tỷ USD) trong 7 năm qua.

Theo ông, vụ bắt cóc các công nhân nước ngoài tại dự án điện ở thành phố Obari đã khiến các công ty nước ngoài - đặc biệt là Hàn Quốc - phải cân nhắc khả năng quay trở lại để thực hiện dự án.

Tổng công ty Điện quốc gia Libya sẽ phải tổ chức đàm phán vào giữa tháng 1/2018 để kêu gọi các nhà thầu Hàn Quốc quay trở lại.

Các tay súng không rõ danh tính đã bắt cóc 4 công nhân nước ngoài, gồm 3 người Thổ Nhĩ Kỳ và 1 người Đức, đang làm việc trong một dự án điện tại thành phố Obari ở miền Nam Libya.

Sau khi lực lượng an ninh thất bại trong việc giải cứu các công nhân bị bắt cóc, khoảng 300 công nhân còn lại đã rời bỏ dự án nói trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.