Ngày 11/11, người phát ngôn của Liên đoàn Arab (AL) Mahmoud Afifi cho biết Tổng thư ký Liên đoàn Ahmed Aboul-Gheit đã kêu gọi các bên tại Libya tiến tới đạt được sự đồng thuận về chính trị, hiến pháp và tổ chức bầu cử đáp ứng nguyện vọng của người dân Libya.
Ông Aboul-Gheit hối thúc các bên cùng nỗ lực phá vỡ sự bế tắc và chia rẽ chính trị vốn gây ra cuộc chiến tàn phá đất nước Arab này trong suốt thời gian dài.
Lãnh đạo Liên đoàn Arab bày tỏ hy vọng Libya sẽ đạt được thỏa thuận về một lộ trình để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử chính trị và lập pháp trên nền tảng pháp lý và Hiến pháp.
Dự kiến ngày 12/11, Italy sẽ chủ trì hội nghị về Libya tại Palermo nhằm thúc đẩy kế hoạch mới của Liên hợp quốc giúp quốc gia Bắc Phi này khôi phục ổn định. Italy hy vọng hội nghị lần này sẽ giúp gây áp lực để các bên tại Libya vượt qua những bất đồng.
Tuần trước, Phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salame đã thông báo từ bỏ thúc đẩy kế hoạch tổ chức bầu cử tại Libya vào ngày 10/12 tới. Thay vào đó, Liên hợp quốc muốn tổ chức hội nghị toàn quốc tại Libya để hàn gắn đất nước đang bị chia rẽ với hàng trăm nhóm vũ trang và bộ lạc đối địch tại các thị trấn, khu vực.
[Thủ tướng Libya phê chuẩn biện pháp an ninh mới tại thủ đô Tripoli]
Trước đó, hồi tháng Năm, Pháp đã chủ trì hội nghị về Libya với sự tham dự của các bên liên quan nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi này.
Tại hội nghị, các bên đối địch ở Libya đã nhất trí về việc tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội “đáng tin cậy” vào tháng 12, theo đó các bên cam kết chấp nhận kết quả bầu cử và đảm bảo các thỏa thuận an ninh cũng như nhất trí cải thiện bầu không khí nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, từ cuối tháng Tám, thủ đô Tripoli chứng kiến các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng dân quân vũ trang từ thành phố Tarhuna, cách Tripoli khoảng 80km về phía Đông Nam.
Bất chấp một lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc bảo trợ từ ngày 4/9 vừa qua, xung đột lại nổ ra tuần trước ở các quận phía Nam Tripoli. Kể từ khi giao tranh xảy ra đến nay, hơn 100 người đã thiệt mạng.
Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Quốc gia này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo, và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.