Liên hợp quốc công bố bức tranh khốc liệt về đại dương

Dự đoán mực nước biển sẽ dâng cao 1m vào năm 2300, nhưng sự tan băng với tốc độ ngày càng nhanh có khả năng dẫn đến mực nước biển dâng cao vài mét trong vài thế kỷ.
Liên hợp quốc công bố bức tranh khốc liệt về đại dương ảnh 1Thế giới phải đối mặt với mực nước biển dâng cao. (Nguồn: sloactive.com)

Báo cáo khí hậu mới nhất của Liên hợp quốc được công bố ngày 25/9 đã cho thấy một bức tranh khốc liệt về các đại dương, cảnh báo rằng tình trạng một số băng bị tan là không thể đảo ngược và thế giới phải đối mặt với mực nước biển dâng cao, đe dọa các khu vực ven biển.

Tờ The Hill dẫn cảnh báo của các nhà khoa học cho rằng ngay cả khi các quốc gia hạn chế đáng kể lượng khí thải, hành tinh này vẫn đang phải đối mặt với thực tế mực nước biển dâng cao tới 1m và hầu hết các bờ biển phía Đông và Tây của Mỹ sẽ phải đối mặt thường xuyên hơn với tình trạng lũ lụt hàng năm.

Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đã xem xét tình trạng của các đại dương và băng trên thế giới, từ các dải băng ở Bắc Cực đến các sông băng trên đỉnh núi, đồng thời xem xét nguy cơ không thể tránh được nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính nhằm giải quyết các tác động khi vẫn còn có thể được quản lý.

[Chuyên gia: Các đại dương và khu vực có băng tiếp tục nóng lên]

Theo bà Ko Barrett, Phó Chủ tịch của IPCC, báo cáo này nhấn mạnh sự cấp bách của hành động kịp thời, tham vọng, phối hợp và bền bỉ, đồng thời bày tỏ quan ngại về "sức khỏe" của hệ sinh thái và động vật hoang dã.

Cũng theo chuyên gia này, bức tranh trên đang cho thấy sự ngạc nhiên và quan ngại về sự thay đổi mà chúng ta đã thấy từ những ngọn núi cao nhất đến đáy đại dương và những điều này luôn bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên do con người gây ra.

Thiệt hại đối với các hệ thống kết nối với nhau có thể dẫn đến mực nước biển tăng nghiêm trọng trong tương lai. Khi nhiệt độ ấm lên làm tan băng và khiến các cơn bão xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn.

Trên đất liền, hiện tượng suy giảm lượng tuyết rơi có nguy cơ làm giảm nguồn cung cấp nước ngọt cho miền Tây nước Mỹ, làm khô cảnh quan và hạn chế năng lực của thủy điện - một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng trong khu vực.

Theo chuyên gia Heidi Steltzer, một trong những tác giả chính của báo cáo và là giáo sư tại Đại học Fort Lewis ở Colorado, tình trạng tuyết rơi là tốt, nhưng Mỹ ngày càng có ít tuyết hơn, và tuyết đến muộn, tan sớm và cũng bao phủ ít đất hơn.

Báo cáo cũng cảnh báo về tác động của nhiệt độ nóng lên của đại dương. Các đại dương đóng vai trò như một bộ đệm chống lại sự nóng lên toàn cầu, hấp thụ khí thải carbon và nhiệt dư thừa - nhưng công suất đó có thể đang giảm dần. Kể từ năm 1993, tốc độ nóng lên của đại dương đã tăng hơn gấp đôi, gây bất ổn cho những tảng băng khổng lồ gần Greenland và Nam Cực.

Theo bà Barrett, trong nhiều thập kỷ, đại dương đã hoạt động như một miếng bọt biển, hấp thụ carbon dioxide và nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ toàn cầu, nhưng nó không thể theo kịp.

Báo cáo dự đoán mực nước biển dâng cao 1m vào năm 2300, nhưng sự tan băng với tốc độ ngày càng nhanh có khả năng dẫn đến mực nước biển dâng cao vài mét trong vài thế kỷ.

Những thay đổi trên đã được nhìn thấy ở Greenland và ở Nam Cực có thể là sự khởi đầu đối với sự mất ổn định và không thể đảo ngược của các dải băng.

Liên hợp quốc công bố bức tranh khốc liệt về đại dương ảnh 2Băng tan tại Greenland tháng 5/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Regine Hock, một trong những tác giả nghiên cứu nhận định rằng sự gia tăng mực nước biển đã diễn ra nhanh chóng và sẽ tăng tốc hơn nữa. Sự kết hợp của mực nước biển dâng và nhiệt độ đại dương ấm lên cũng sẽ dẫn đến những cơn bão nghiêm trọng và thường xuyên hơn.

Báo cáo còn cho biết với bất kỳ mức độ nóng lên nào khác, các sự kiện xảy ra một lần trong vòng một thế kỷ trong quá khứ sẽ xảy ra hàng năm vào giữa thế kỷ này ở nhiều khu vực, làm tăng rủi ro cho nhiều thành phố thấp ven biển và các đảo nhỏ.

Các nhà khoa học cũng lo lắng về mức độ hấp thụ carbon cao của đại dương. Kể từ những năm 1980, đại dương đã hút từ 20% đến 30% lượng khí thải carbon dioxide do con người gây ra. Sự hấp thụ đó đã dẫn đến axit hóa đại dương, gây hại cho các rạn san hô và động vật hoang dã đại dương.

Kết hợp với nhiệt dư, hiệu ứng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Đại dương cho đến nay đã chiếm hơn 90% lượng nhiệt dư thừa trên toàn cầu.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu khí thải toàn cầu không được kiềm chế, đại dương có thể tăng nhiệt gấp 5 đến 7 lần. Gánh nặng nhiệt đó có thể gây ra hậu quả đối với sinh vật biển, vì nhiệt độ nước ảnh hưởng đến khả năng giữ oxy của các loài sinh vật biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục