Liên hợp quốc nêu 5 lĩnh vực hành động đối phó với biến đổi khí hậu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa trong 5 lĩnh vực hành động gồm: khí thải, thích nghi, tài chính, quan hệ đối tác và lãnh đạo.
Liên hợp quốc nêu 5 lĩnh vực hành động đối phó với biến đổi khí hậu ảnh 1Hình ảnh Trái đất được mô phỏng tại hội nghị COP23 ở Bonn, Đức ngày 8/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) diễn ra ở Bonn, Đức, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa trong 5 lĩnh vực hành động gồm: khí thải, thích nghi, tài chính, quan hệ đối tác và lãnh đạo. 

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, liên quan lĩnh vực khí thải, Tổng Thư ký Guterres đã dẫn báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy những cam kết giảm phát thải sẽ chỉ thực hiện được 1/3 số lượng cần thiết để giữ cho nền nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng an toàn theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo này, năm 2017 sẽ chứng kiến mức tăng lượng khí thải CO2 lần đầu tiên trong 3 năm qua. Do đó, "cửa sổ" cơ hội để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C có thể sẽ khép lại trong vòng 20 năm tới, hoặc thậm chí ít hơn.

Tuy nhiên, ông Guterres đã chỉ ra một số dấu hiệu tiến bộ trong nỗ lực giảm khí thải. Trước đây, nhiều nước cho rằng việc hạn chế phát thải khí sẽ kìm hãm tăng trưởng và coi khí thải là cái giá không thể tránh của sự phát triển kinh tế, song gần đây một số quốc gia đã bắt đầu tách biệt 2 yếu tố này.

Các nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ đang trên đà thực hiện được nhiều hơn so với những cam kết mà họ đưa ra theo Hiệp định Paris. Trong khi đó, các thị trường trao đổi khí CO2 ngày càng được mở rộng. 

[Trái Đất đang ngày càng tiến gần "điểm giới hạn" nguy hiểm]

Một lĩnh vực hành động cần thiết khác là sự thích nghi. Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh các quốc gia cần phải thích nghi với biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng ứng phó. Trong lĩnh vực này, Quỹ Khí hậu Xanh có thể đóng vai trò chất xúc tác.

Do đó, ông kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc, nhất là các quốc gia tài trợ, đưa cơ chế này vào hoạt động. Ngoài ra, các công ty và chính phủ cần phải tính đến những "cú sốc" khí hậu trong các chính sách, kế hoạch và hoạt động. 

Về lĩnh vực tài chính, Tổng Thư ký Guterres cho biết Liên hợp quốc cần phải huy động được khoản ngân sách thường niên 100 tỷ USD dành cho các quốc gia phát triển. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc gây dựng lòng tin giữa các quốc gia.

Ngoài ra, các thị trường cũng có thể đóng vai trò trung tâm trong việc cấp tài chính cho một tương lai ít khí thải CO2 và thích nghi với biến đổi khí hậu. Năm 2016, ước tính có khoảng 825 tỷ USD được đầu tư vào các khu vực thải nhiều khí CO2 và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Do đó, Tổng thư ký kêu gọi các quốc gia chấm dứt việc đặt cược vào một tương lai không bền vững đe dọa cuộc sống của con người, đồng thời nhấn mạnh nếu tránh được tác hại của biến đổi khí hậu, thì lợi ích kinh tế của các quốc gia sẽ tăng lên, từ đó GDP của thế giới sẽ tăng tới 5% vào năm 2050. 

Cũng theo Tổng Thư ký Guterres, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, còn phải chú trọng đến quan hệ đối tác, với những liên minh hành động tại tất cả các lĩnh vực chủ chốt và tất cả các chủ thể.

Quan hệ đối tác - với khu vực tư nhân, các chính quyền địa phương và khu vực, cũng như xã hội dân sự - sẽ quyết định thành bại của việc thực hiện Hiệp định Paris.

Đặc biệt, cách duy nhất để duy trì mức tăng nhiệt độ Trái Đất không qua 2 độ C và tiến sát xuống ngưỡng 1,5 độ C là huy động khu vực tư nhân thực hiện tiến trình chuyển đổi năng lượng. Với các biện pháp khuyến khích của chính phủ, như các chính sách giao thông và năng lượng sạch, các công ty có thể hướng các thị trường thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Trong quá trình đó, cần có sự can dự của các công ty công nghệ khổng lồ, khu vực dầu và khí đốt, cũng như ngành sản xuất ô tô để những kế hoạch kinh doanh của họ phù hợp với các mục tiêu trong Hiệp định Paris. Ngoài ra, cũng cần có sự can dự của các lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp nhằm đảm bảo việc sử dụng đất thân thiện với khí hậu. 

Cuối cùng, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của lãnh đạo chính trị. Những giải pháp cho sự biến đổi khí hậu sẽ giúp các quốc gia thực hiện nhiều mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.

Do đó, ông kêu gọi các chính phủ thực thi chính sách giảm thiểu khí CO2 và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả để làm gương cho các công ty và xã hội dân sự.

Tổng Thư ký Guterres cũng thông báo về kế hoạch Liên hợp quốc sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu để huy động năng lượng chính trị và kinh tế ở mức cao nhất vào tháng 9/2019./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục