Liên kết đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng

Hầu hết hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều tham gia liên kết với doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng.
Liên kết đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng ảnh 1Thời trang may mặc là một trong những mặt hàng có sức mua tăng cao tại hệ thống siêu thị Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Với sự nỗ lực, chung sức của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đạt hiệu quả triển khai trong thời gian qua.

Cụ thể, cuộc vận động trên địa bàn thành phố không ngừng nỗ lực thúc đẩy chuyển biến trong nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt bằng giải pháp ổn định thị trường; liên kết tỉnh, thành trên cả nước; đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng.

Phân bổ luồng hàng, kênh phân phối

Tính đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy được vai trò quan trọng trong tập hợp và phân bổ phát luồng hàng tại mạng lưới chợ đầu mối, điều phối nguồn hàng cho thành phố và nhiều tỉnh, thành lân cận.

Hầu hết hệ thống phân phối lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều tham gia liên kết với doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường, hưởng ứng chương trình hành động của thành phố... nhằm thực hiện hiệu quả cuộc vận động và từng bước đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.

[Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt]

Theo thống kê, có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022-2023; trong đó, có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, đảm bảo cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh.

Hay Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp năm 2022, thực hiện hỗ trợ 32.500 khách hàng với số tiền 568.340 tỷ đồng (tăng 16,65% so với năm 2021) bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đây cũng là chương trình được triển khai nhiều năm liền trên địa bàn thành phố và gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy sự chủ động trong phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện trao đổi thông tin, xác định tiềm năng của từng địa phương, vùng miền, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh...

Đồng thời, Ban Chỉ đạo còn xác định đây là giải pháp nâng cao hiệu quả mở rộng mạng lưới phân phối gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương.

Bên cạnh phát triển mạng lưới phân phối, bán lẻ hàng Việt đến tay người tiêu dùng, công tác tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh còn từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.

Nhờ đó, cuộc vận động tạo được sức lan tỏa và tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp cộng đồng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.

Liên kết đưa hàng Việt chất lượng, uy tín đến tận tay người tiêu dùng ảnh 2Các sản phẩm mang thương hiệu Việt không ngừng được cải thiện hơn về chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Mặt khác, thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh, hàng hóa mang thương hiệu Việt không ngừng được cải thiện hơn về chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Còn doanh nghiệp tham gia cuộc vận động nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với lợi ích của người tiêu dùng, mạnh dạn đầu tư và hiện đại hóa dây chuyền sản xuất...

Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới cuộc vận động cần mở rộng và nâng cao chất lượng sang "Hàng việt chinh phục người Việt."

Ngoài ra, chính quyền thành phố tiếp tục thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện cuộc vận động như cụ thể hóa công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp củng cố và nâng cao năng lực hoạt động; tăng cường kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước... tạo thêm sức mạnh tổng hợp trong sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.

Để thực hiện được những mục tiêu này, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nên chú trọng giải pháp hỗ trợ định hướng giúp chuẩn hóa có truy xuất nguồn gốc sản xuất ngành hàng nông sản, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giúp ổn định cung-cầu.

Bởi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân, nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất sẽ gián tiếp hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, đáp ứng mối quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng hiện nay.

Gắn kết giải pháp bình ổn giá

Ghi nhận thực tế tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, không chỉ tình hình hàng hóa trên địa bàn thành phố tương đối ổn định, số lượng hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng, mà công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường được tập trung, góp phần bình ổn thị trường.

Song song đó, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ tham gia chương trình Bình ổn thị trường thành phố, từ đó hạn chế được tình trạng đầu cơ, hiện tượng tăng giá đột biến, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Liên quan đến hoạt động phân phối hàng Việt, ông Đinh Quang Khôi, Phụ trách Marketing Công ty MM Mega Market Việt Nam, cho biết tại hệ thống trung tâm MM Mega Market luôn đặt mục tiêu đồng hành cùng nông sản Việt, với phương châm xây dựng chuỗi cung ứng “từ nông trại đến nàn ăn.”

MM Mega Market Việt Nam cũng chú trọng hợp tác với hộ nông dân và cơ sở sản xuất địa phương.

Trong hoạt động kinh doanh, MM Mega Market luân phiên thực hiện phong phú chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc đi kèm nhiều ưu đãi... áp dụng cho hàng Việt.

Hơn thế nữa, MM Mega Market phối hợp cùng sở, ngành địa phương như Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm Shopping Season năm 2023 (Shopping Season năm 2023).

Vào thời điểm này, hưởng ứng chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm Shopping Season năm 2023 (Shopping Season năm 2023), tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op giảm giá đến 60% áp dụng cho các sản phẩm công nghệ, may mặc, đồ dùng và hoá phẩm.

Nhà bán lẻ này cũng tổ chức Lễ hội mùa Hè - nhà mình cùng chill, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op giảm giá mạnh các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn của các thương hiệu Việt như CP, Cầu Tre, Co.op...

Riêng Lễ hội Trái cây Việt với sản phẩm được mệnh danh là “siêu quả” là thanh long ruột đỏ, ruột trắng của miền Tây Nam bộ và Bình Thuận được khuyến mãi chỉ còn 11.900 đồng/kg; trưng bày đa dạng trái cây các loại táo hồng, dưa gang, mận hậu, sầu riêng, nhãn xuồng, vải thiều...

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho hay Saigon Co.op luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc hỗ trợ phát triển hàng Việt trong hoạt động kinh doanh.

Ngay từ đầu năm 2023, Saigon Co.op đã chủ động kết hợp cùng Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị hàng hóa nội địa và đây cũng là hoạt động thiết thực phát triển đặc sản vùng miền, cam kết cụ thể của Saigon Co.op trong gia tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Trong khi đó, đại diện nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh và nhà bán lẻ khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Saigon Co.op, Satramart, AEON Mall, LOTTE Mart... cũng đồng hành cùng hàng Việt với đa dạng phương thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Đáng chú ý, những đơn vị này tích cực phối hợp chặt chẽ với sở, ngành địa phương trong hoạt động đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng qua kênh phân phối, bình ổn thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.