Liên minh châu Âu đạt bước tiến mới trong việc cải cách thị trường điện

Cải cách này sẽ giúp giá điện không phụ thuộc nhiều vào giá nhiên liệu hóa thạch vốn không ổn định, qua đó bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị ảnh hưởng do các đợt tăng giá điện.

Đường dây diện cao thế tại Verfeil, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đường dây diện cao thế tại Verfeil, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/12, Hội đồng Liên minh châu Âu thông báo khối này đã đạt thỏa thuận về cải cách thị trường điện nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và ổn định giá điện cho người dùng.

Trong một thông cáo, Tây Ban Nha - Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU cho biết cơ quan này và Nghị viện đã đạt được thỏa thuận tạm thời về cải cách thiết kế thị trường điện EU (EMD).

Cải cách này sẽ giúp giá điện không phụ thuộc nhiều vào giá nhiên liệu hóa thạch vốn không ổn định, qua đó bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị ảnh hưởng do các đợt tăng giá điện, đồng thời thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Thỏa thuận cũng bao gồm quy định nhằm cải thiện năng lực của EU trong ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường thông qua việc tăng cường Quy định của châu Âu về tính toàn vẹn và minh bạch của thị trường năng lượng bán buôn (REMIT).

Trung tuần tháng trước, 27 quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận tạm thời về REMIT.

Thỏa thuận còn giúp thúc đẩy mua bán năng lượng tái tạo, phù hợp với các kế hoạch trung hòa carbon của các nước thành viên và cho phép Hội đồng EU tuyên bố "khủng hoảng" trên toàn liên minh dựa trên điều kiện thị trường, như giá bán buôn điện trung bình hoặc giá bán lẻ điện tăng mạnh.

Bên cạnh đó, thỏa thuận này còn tăng cường các biện pháp bảo vệ khách hàng dễ bị tổn thương và trong diện nghèo.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera bày tỏ hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận.

Theo bà Ribera, thỏa thuận này sẽ giúp EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, cũng như thúc đẩy các nguồn năng lượng không phải từ nhiên liệu hóa thạch để cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Theo quy định, để có hiệu lực, Hội đồng EU và Nghị viện châu Âu đều phải phê chuẩn và thông qua thỏa thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.