Liên minh châu Âu muốn Mỹ điều chỉnh quy định ưu đãi thuế cho xe điện

Khoản hỗ trợ mà Mỹ sắp đưa ra chỉ được áp dụng với những sản phẩm xe điện có các bộ phận lắp ráp và các bộ phận pin (chiếm ít nhất 50% giá trị) được sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ.
Liên minh châu Âu muốn Mỹ điều chỉnh quy định ưu đãi thuế cho xe điện ảnh 1Dây chuyền sản xuất xe ôtô điện tại nhà máy của hãng General Motors ở Detroit, Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thuyết phục Mỹ nới lỏng các tiêu chí về sản xuất nội địa với xe điện được nhận các khoản ưu đãi thuế.

Washington chuẩn bị cung cấp các khoản ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD cho người tiêu dùng khi mua xe điện. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này sẽ chỉ được áp dụng với những sản phẩm xe điện có các bộ phận lắp ráp và các bộ phận pin (chiếm ít nhất 50% giá trị) được sản xuất tại khu vực Bắc Mỹ.

Phát biểu tại Stockholm (Thụy Điển) trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng về vấn đề thương mại, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis, cũng là người giám sát chính sách thương mại của EU, cho biết giới chức hai bên vẫn đang thảo luận về các quy định trên và về việc EU muốn thiết lập cách xác định các bộ phận pin.

Ông cũng nêu rõ một trong những nội dung mà ông thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong tuần trước là định nghĩa rõ các bộ phận pin là những bộ phận cụ thể nào hay là tất cả, để tránh tình trạng lợi dụng những kẽ hở pháp luật.

Ông cho biết Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể trong tháng 3 này.

Một tiêu chí nữa để được hưởng ưu đãi thuế là phần lớn các nguyên vật liệu quan trọng sử dụng trong sản xuất xe điện đến từ một đối tác ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, trong khi đó EU, không thuộc diện này.

Ngày 10/3, một quan chức cấp cao của EU cho biết hai bên vẫn đang tìm kiếm một thỏa thuận để đưa các sản phẩm khoáng sản của EU vào nhóm đủ điều kiện nhận được nhận đãi thuế này. Brussels sẽ được coi là tương đương một đối tác FTA của Washington.

[Mỹ, EU khởi động đàm phán thương mại về đảm bảo quy chế cho EU]

Phó Chủ tịch Dombrovskis đã xác nhận điều này đồng thời cho biết hai bên có thể sẽ ra tuyên bố về vấn đề liên quan trong ngày 10/3 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hội đàm.

Ông cho biết EU cũng muốn thành lập một "câu lạc bộ" nguyên liệu thô quan trọng, tập hợp các quốc gia tiêu thụ và sản xuất có cùng quan điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.