Liên minh châu Âu sẽ làm tất cả để kết thúc đàm phán TTIP với Mỹ

Ủy viên về Thương mại EU Cecilia Malmstrom khẳng định EU sẽ làm tất cả những gì có thể để kết thúc đàm phán vào năm 2016, dù đây là thời hạn lạc quan song hoàn toàn khả thi.
Liên minh châu Âu sẽ làm tất cả để kết thúc đàm phán TTIP với Mỹ ảnh 1Ủy viên về Thương mại EU Cecilia Malmstrom. (Nguồn: Reuters)

Ủy viên về Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Thái Bình Dương (TTIP) với Mỹ - thỏa thuận tự do thương mại lớn nhất thế giới - sớm nhất vào năm 2016.

Phát biểu trước báo chí, bà Malmstrom khẳng định EU sẽ làm tất cả những gì có thể để kết thúc đàm phán vào năm 2016, dù đây là thời hạn lạc quan song hoàn toàn khả thi.

Ủy viên Thương mại EU cho biết, tiếp theo vòng đàm phán thứ 10 hồi tháng Bảy tại Brussels (Bỉ), bà sẽ gặp Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tại thủ đô Washington (Mỹ) vào tháng Chín tới để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán vào tháng 10 và tháng 12.

Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, nhưng sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó cho phép các công ty tư nhân có thể khởi kiện các hành động của chính phủ gây phương hại đến các khoản đầu tư.

Một số dư luận tại châu Âu lo ngại cơ chế này sẽ thách thức các luật, đặc biệt về thực phẩm và môi trường của châu lục này.

Hồi tháng Bảy vừa qua, EU đã chấp thuận kế hoạch thành lập một tòa án châu Âu mới để xem xét mọi tranh cãi nảy sinh liên quan tới tất cả các hiệp định thương mại, và mở đường nối lại đàm phán về TTIP giữa EU và Mỹ sau một thời gian dài trì hoãn.

Theo bà Malmstrom, cơ chế giải quyết tranh cãi mới sẽ tránh được mọi vấn đề liên quan đến thẩm phán được lựa chọn trước hoặc có động cơ, tăng tính minh bạch và hệ thống kháng cáo trong mỗi vụ kiện.

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng, chiếm hơn 50% lượng kinh tế toàn cầu và 30% thương mại thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.