Cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần này sẽ xem xét một loạt lựa chọn về mức trần giá khí đốt, vốn là nguyên nhân gây chia rẽ khối trong nhiều tuần qua.
27 quốc gia EU đã rơi vào bế tắc trong nhiều tuần qua về việc áp mức giá trần khí đốt như một phần của nỗ lực kiềm chế giá năng lượng tăng cao, giữa bối cảnh châu Âu đang bước vào mùa Đông khan hiếm khí đốt, khủng hoảng giá sinh hoạt và nguy cơ suy thoái rình rập.
Giá khí đốt thế giới tăng vọt sau khi Nga cắt giảm dòng chảy khí đốt sang châu Âu do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột với Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến nó, khiến hầu hết các nước EU kêu gọi áp đặt mức trần giá khí đốt, mặc dù họ vẫn chưa nhất trí về các phương án.
Một số quốc gia, bao gồm Đức, thị trường khí đốt lớn nhất châu Âu, vẫn phản đối đề xuất trên. Họ cho rằng việc giới hạn giá có thể khiến nhu cầu về khí đốt tăng lên hoặc khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn cung từ thị trường toàn cầu.
[EU tiết lộ kế hoạch ứng phó chi phí năng lượng tăng cao]
Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất các biện pháp năng lượng để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại vào ngày 18/10, trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU. Một số quốc gia ủng hộ giá trần khí đốt lo ngại rằng EC sẽ không đưa ra các lựa chọn mà họ đã đề xuất.
Các kết luận dự thảo mới nhất cho thấy các nhà lãnh đạo EU sẽ đồng ý xem xét một “hành lang giá tạm thời" đối với khí đốt cho đến khi có một mức giá khí đốt thay thế chuẩn của EU.
Bỉ, Hy Lạp, Italy và Ba Lan muốn có một hành lang giá cho các giao dịch bán buôn, có nghĩa là một phạm vi giá có giá trị trung tâm thấp hơn giá thị trường.
Dự kiến, đại diện các nước thành viên EU sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường tại Luxembourg vào cuối ngày 17/10 để thảo luận về vấn đề này./.