Liên minh châu Phi (AU) đã thông báo một sáng kiến mới thúc đẩy đối thoại chính trị giữa tất cả các phe đối địch tại Libya để giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại đất nước Bắc Phi này.
Sáng kiến này được công bố tại một cuộc họp của Ủy ban cấp cao của AU về Libya, được tổ chức tại trụ sở chính của AU ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, cuộc họp được triệu tập bởi Chủ tịch AU đồng thời là Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Deby nhằm xem xét tình hình hiện nay ở Libya và thống nhất một lộ trình hướng tới hòa bình tại quốc gia Bắc Phi này.
Các thành viên Ủy ban cấp cao của AU về tình hình Libya bao gồm những người đứng đầu Nhà nước và chính phủ các nước Algeria, Cộng hòa Congo, Ai Cập, Mauritania, Niger, Nam Phi và Uganda.
Trong số các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị này có Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou, Tổng thống Congo Denis Sassou-Nguesso, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, và Tổng thống Uganda Yoweri Museveni.
Tại cuộc họp, Chủ tịch AU Deby nêu rõ một năm kể từ khi thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được Liên hợp quốc bảo trợ vẫn tồn tại bất đồng lớn giữa các bên. Có những phe phái khác nhau tại Libya với những lợi ích khác nhau khiến tình hình thêm phức tạp.
Trong lộ trình đàm phán, các bên cần gạt bỏ lợi ích của mình sang một bên và đặt lợi ích của người dân Libya lên trên.
Theo ông Deby, chính phủ đoàn kết của Libya đã bị ảnh hưởng bởi nhiều các yếu tố chi phối như lợi ích phe nhóm, sự ra đời của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nạn buôn người.
Ông Deby cho biết AU dự định tập hợp tất cả các bên liên quan sớm nhất có thể "để đưa họ can dự vào đối thoại thẳng thắn và trực tiếp."
Theo Chủ tịch AU, đây là "một sáng kiến khởi động đàm phán với cách tiếp cận ba bên bao gồm các phe phái chính trị tại Libya, AU và Liên hợp quốc nhằm phối phợp giúp Libya đạt được một sự chuyển tiếp vững chắc."
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban AU bà Nkosazana Dlamini-Zuma nhấn mạnh khoảng 2,4 triệu người Libya đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong khi sản lượng dầu khí của quốc gia Bắc Phi này hiện ở mức thấp kỷ lục, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn và các cơ sở hạ tầng bị phá hủy do chiến tranh./.