Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat đưa ra tuyên bố ngày 3/10 sau 2 vụ tấn công vào một vị trí đóng quân của lực lượng nhóm 5 nước vùng Sahel (G5 Sahel) tại thị trấn Boulkessi và Các lực lượng vũ trang Mali tại thị trấn Mondoro lần lượt xảy ra ngày 30/9 và 1/10 vừa qua.
Theo tuyên bố, ông Faki cũng bày tỏ chia buồn với gia đình các binh sỹ thiệt mạng và hy vọng những người bị thương sớm bình phục.
Tuyên bố nêu rõ AU cam kết đoàn kết chặt chẽ với Chính phủ Mali và các nước G5 Sahel (gồm Burkina Faso, Niger, Chad, Mali và Mauritania). Chủ tịch Ủy ban AU nhấn mạnh 2 vụ tấn công trên nhắc nhở cộng đồng quốc tế cần khẩn trương hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho nỗ lực chống khủng bố của các nước trong khu vực.
Trong một thông báo ra cùng ngày 3/10, Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) cũng lên án mạnh các vụ tấn công mới xảy ra tại quốc gia Tây Phi này.
Tuyên bố khẳng định những hành động khủng bố sẽ không cản trở được các nỗ lực chung của Chính phủ Mali cùng các đối tác nhằm đem lại hòa bình và an ninh cho đất nước.
[Tấn công doanh trại quân đội tại Mali, hàng chục binh sỹ thiệt mạng]
Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại Mỹ với tình hình an ninh tại Mali và khu vực Sahel chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của một số cuộc gặp cấp cao có sự tham gia của lãnh đạo một số nước khu vực.
Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Mali Ibrahima Dahirou cho biết số binh sỹ thiệt mạng đã tăng lên 38 người trong 2 vụ tấn công vào các doanh trại quân đội nói trên.
Nhà chức trách đã tìm thấy 33 binh sỹ mất tích, trong đó 8 người bị thương.
Trong hai vụ tấn công trên, nhiều xe chở các tay súng trang bị vũ khí hạng nặng đã đột kích các doanh trại quân đội ở Boulkessi và Mondoro. Sau đó, quân đội Mali phối hợp với quân đội Burkina Faso và lực lượng quân sự Pháp đồn trú trong khu vực đã tiến hành một chiến dịch quân sự chung giao tranh với nhóm tấn công và đã giành lại các vị trí bị những tay súng này chiếm giữ. 15 phần tử thánh chiến Hồi giáo đã bị tiêu diệt trong chiến dịch và khoảng 20 phương tiện đã bị thu giữ.
Miền Bắc Mali đã rơi vào tình trạng bất ổn kể từ khi các phần tử thánh chiến gia tăng hoạt động hồi năm 2012.
Chiến dịch can thiệp quân sự do Pháp tiến hành sau đó đã góp phần hạn chế hoạt động của những tay súng này, song phần lớn khu vực vẫn bất ổn.
Kể từ năm 2015, bạo lực đã lan đến khu vực miền Trung Mali. Các phần tử thánh chiến đã thực hiện nhiều cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào thường dân cũng như quân đội.
Ngoài ra, những phần tử trên cũng kích động căng thẳng giữa các sắc tộc, đặc biệt là giữa những người chăn nuôi sống du mục thuộc sắc tộc Fulani và những người nông dân thuộc sắc tộc khác.
Các vụ tấn công lẫn nhau giữa các cộng đồng sắc tộc đã làm hàng trăm người thiệt mạng./.