Liên minh Kinh tế Á-Âu nhất trí cho ra đời thỏa thuận bầu trời chung

Từ nay đến năm 2020, các sân bay của Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia sẽ dỡ bỏ các hạn chế bay và cùng áp dụng một mức phí vận chuyển chung
Liên minh Kinh tế Á-Âu nhất trí cho ra đời thỏa thuận bầu trời chung ảnh 1(Nguồn: akipress.com)

Ngày 14/8, tại thủ đô Astana của Kazakhstan, lãnh đạo Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đã nhất trí thành lập bầu trời chung, theo đó từ nay đến năm 2020, các sân bay của Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia sẽ dỡ bỏ các hạn chế bay và cùng áp dụng một mức phí vận chuyển chung.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga hiện đang soạn thảo “lộ trình” cho dự án. Bộ trưởng Năng lượng và Hạ tầng Ủy ban EAEU Adamkul Zhunusov cho biết thêm dự án sẽ được triển khai từ ngày 1/1/2018 và cho đến năm 2020 sẽ có hiệu lực.

Dự án bầu trời chung EAEU thống nhất mức phí phục vụ bay, dịch vụ dẫn đường, phục vụ mặt đất tại các sân bay của các nước thành viên, cũng như tháo gỡ các rào cản hiện có trong giao thông hàng không giữa các nước, cụ thể là tần suất các chuyến bay, số lượng chỉ định các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng không tại các hướng và điểm đến.

[Đối thoại xây dựng châu Á-Thái Bình Dương gắn kết và bao trùm]

Thị trường vận tải hàng không Nga hiện đang chiếm 90% thị trường toàn EAEU. Nga đã tiến hành đàm phán về tự do hóa ngành hàng không trong khuôn khổ các nước Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) từ trước khi có EAEU. Nga đạt bước tiến mạnh nhất trong vấn đề này với Ukraine.

Trước năm 2014, Nga và Ukraine đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế về số lượng các nhà cung cấp dịch vụ vận tải hàng không và điểm đến. Tuy nhiên, Nga vẫn còn có bất đồng với Gruzia, Armenia, Belarus, Kazakhstan. Moskva đã yêu cầu dỡ bỏ tất cả các hạn chế, trong khi các nước trên cho rằng trong giao thông hàng không cần phải tuân thủ sự bình đẳng và quyền lợi của các công ty hàng không của các nước sở tại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.