Liên minh Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức

Hội thảo “Liên minh Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức” được các Đại sứ quán Peru, Chile, Clombia và Mexico phối hợp tổ chức ở Hà Nội.
Liên minh Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức ảnh 1Tổng thống Peru, Chile, Colombia, Mexico và Costa Rica tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Thái Bình Dương lần thứ 8.(Nguồn: Reuters)

Ngày 24/4, hội thảo “Liên minh Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức,” do các Đại sứ quán Peru, Chile, Clombia và Mexico phối hợp với Viện nghiên cứu Châu Mỹ tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) Cù Chí Lợi cho biết Mỹ Latinh là một khu vực hội nhập đầy sôi động với sự đan xen của các thể chế kinh tế khu vực, trong đó Liên minh Thái Bình Dương đã trở thành một thể chế kinh tế thương mại đầy hứa hẹn tại khu vực Nam Mỹ.

Liên minh được đánh giá là nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới và đứng thứ 7 về giá trị xuất khẩu. Hiện nay, Liên minh có nhiều quan sát viên và được coi là một thể chế có sức hấp dẫn đặc biệt. Hội thảo nhằm làm rõ ảnh hưởng của Liên minh đối với các nước thuộc bờ Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Theo Đại sứ Chile tại Việt Nam Fernando Urrutia, Liên minh Thái Bình Dương có điểm chung là tạo ra những nền kinh tế mở đối với tự do thương mại và cổ vũ cho “Chủ nghĩa khu vực mở.”

Có thể hiểu khu vực mở nghĩa là không giới hạn và không chỉ dành cho khu vực địa lý của các nước thành viên Liên minh, mà còn hướng tới sự hòa nhập với thế giới nói chung, đặc biệt là với Mỹ Latinh.

Hiện nay, một số thành viên của Liên minh Thái Bình Dương cùng Việt Nam đang tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đại sứ Mexico tại Việt Nam Gilberto Limon Enriquez cho biết Liên minh Thái Bình Dương là một công cụ hữu hiệu trong dự án hội nhập và tự do hóa thương mại, nhằm đạt được một sự gắn kết chặt chẽ hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đây là một cơ chế hội nhập mở và không giới hạn, hình thành bởi các quốc gia có tầm nhìn phát triển và xúc tiến tự do thương mại, cũng như kích thích tăng trưởng kinh tế.

Liên minh đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên về những vấn đề được ưu tiên và quan tâm chung như: Môi trường, biến đổi khí hậu, khoa học kỹ thuật và phát triển xã hội...

Liên minh Thái Bình Dương được thành lập năm 2012 với mục tiêu xây dựng một khu vực hội nhập sâu về kinh tế và gia tăng liên kết với các nước Châu Á-Thái Bình Dương.

Liên minh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới và hiện nay có khoảng 30 nước quan sát viên bao gồm: Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Pháp…

Vừa qua, Liên minh Thái Bình Dương đã ký kết hiệp định khung nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ, theo đó trên 90% các sản phẩm trao đổi nội khối sẽ được miễn thuế ngay sau khi được Quốc hội các nước thông qua.

Gần 10% các sản phẩm còn lại sẽ được bãi bỏ thuế quan trong vòng 17 năm. Với việc thực hiện Hiệp định này, Liên minh Thái Bình Dương thực sự trở thành một thị trường rộng lớn với hơn 200 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên 2.000 tỷ USD, chiếm khoảng 50% kim ngạch thương mại của khu vực Mỹ Latinh.

Đây là một sự kiện quan trọng trong tiến trình hội nhập nội khối và thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận về các cơ hội, thách thức, các cam kết của Liên minh Thái Bình Dương cũng như ảnh hưởng của Liên minh này đối với các nước thuộc bờ Tây Thái Bình Dương như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.