Liệu Canada có đang bị cô lập ngay tại chính khu vực "sân nhà"?

Một số người cho rằng Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico đang phơi bày điểm yếu của Canada, đẩy Ottawa vào thế bị cô lập ngay tại chính khu vực sân nhà.
Liệu Canada có đang bị cô lập ngay tại chính khu vực "sân nhà"? ảnh 1Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Quebec ngày 9/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico đang tạo ra những luồng dư luận trái chiều tại Canada.

Một số người cho rằng điều này đang phơi bày điểm yếu của Canada, đẩy Ottawa vào thế bị cô lập ngay tại chính khu vực sân nhà.

Một số người khác lại hy vọng việc Mỹ và Mexico đạt được nhất trí trong những vấn đề gai góc song phương sẽ chính thức mở đường cho Canada quay trở lại bàn đàm phán sau nhiều tuần vắng bóng.

Trong thông báo ngày 27/8, Hội đồng Canada cho rằng đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc ra đời một thỏa thuận vì nước Mỹ trước tiên, nhưng việc “thay tên đổi họ" này sẽ không làm thay đổi bản chất thực sự của NAFTA, thậm chí còn có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

[Mỹ đe dọa gạt Canada khỏi NAFTA sau thỏa thuận với Mexico]

Bằng việc đổi tên thỏa thuận đã 24 năm tuổi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe doạ sẽ gạt Canada ra khỏi thỏa thuận này, hoặc biến NAFTA phiên bản mới thành thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ và Mexico.

“Trong bối cảnh đó, Chính phủ Canada không được mắc bẫy chiến thuật của Mỹ mà phải bảo vệ lợi ích của người dân,” Chủ tịch danh dự Hội đồng Canada, ông Maude Barlow, nói.

Cũng theo ông Barlow, cách đây 24 năm khi NAFTA mới được hình thành dựa trên nền tảng cốt lõi của Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Canada, nhiều người đã lo ngại nguy cơ một lúc nào đó Canada sẽ bị Mỹ ép tay trên.

Những gì đang diễn ra hiện nay dường như đang đi đúng theo xu hướng đó khi mà Chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau đang phải đứng giữa hai lựa chọn: đàm phán thỏa thuận song phương mới với Mỹ, hay chấp nhận ở lại trong NAFTA với những điều khoản đã được Mỹ và Mexico ấn định trước đó.

Một điều quan trọng khác nữa là trong cả hai trường hợp, Canada đều sẽ phải đưa lên bàn cân lợi ích của ngành công nghiệp ôtô và trứng sữa. Bảo vệ ngành nào và hy sinh ngành nào sẽ là câu hỏi hóc búa đối với Chính phủ Tự do hiện nay.

Theo nhà chiến dịch thương mại của Hội đồng Canada Sujata Dey, có vẻ như áp lực của Mỹ đã phát huy tác dụng với Mexico khi nước này buộc phải đồng ý tư nhân hóa ngành năng lượng của mình.

Mexico cũng từ bỏ ý định duy trì các quy định cũ trong Chương 11 về giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư, điều mà trước đây cả Canada và Mexico đều cương quyết bảo vệ.

“Sự thay đổi này hoàn toàn không tốt cho một thỏa thuận công bằng,” bà Sujata Dey nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo thêm rằng Canada sẽ buộc phải có những nhượng bộ tương tự trong lĩnh vực năng lượng và quản lý nguồn cung trứng sữa nếu như muốn có chân trong NAFTA phiên bản mới.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Canada (CADA), thương mại ôtô giữa Canada và Mỹ đạt gần 150 tỷ CAD mỗi năm. Các dòng chảy hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước đóng một vai trò rất quan trọng, đưa ngành công nghiệp ôtô Bắc Mỹ trở thành nơi cạnh tranh nhất trên thế giới. Vì thế, mọi thay đổi đối với ngành này đều sẽ tác động rất mạnh đến thị trường việc làm và nền kinh tế của cả 3 nước.

Những tác động đó sẽ khó có thể lường được hết nếu như Tổng thống Trump quyết định áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu như lời cảnh báo đưa ra cách đây không lâu.

Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm bi quan thì cũng có ý kiến cho rằng việc Mỹ và Mexico đạt được bước tiến trong tái đàm phán NAFTA sẽ chính thức mở đường cho Canada quay lại các bàn đàm phán.

Trong bài viết đăng trên trang Globe and Mail, tác giả Adrian Morrow cho biết Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland sẽ đến Washington ngay vào ngày 28/8 để bàn thảo nối lại tiến trình đàm phán ba bên vốn bị đình trệ từ hơn 3 tháng nay.

Câu hỏi đặt ra là bà Freeland sẽ làm thế nào bảo vệ được tối đa lợi ích của Canada trước hai đối tác đã có những điểm nhất trí với nhau từ trước.

Trong thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico, Chính phủ của Tổng thống Enrique Peña Nieto đã chấp nhận chuyển toàn bộ hoạt động lắp ráp ôtô từ Mexico sang Mỹ.

Thỏa thuận cũng đề cập đến các quy định mới về luật lao động (đảm bảo 40-45% nội dung xe sản xuất ở Bắc Mỹ có xuất xứ từ những nhà máy có lương cơ bản 16 USD/giờ), quy định về xuất xứ (75% nội dung xe Bắc Mỹ phải được sản xuất trong khu vực NAFTA), cơ chế giải quyết tranh chấp (chỉ giữ lại với một số ngành) và điều khoản hoàng hôn (với thời gian hết hạn lên tới 16 năm thay vì 5 năm như yêu cầu của Mỹ trước đây).

Sự nhượng bộ của Mexico chắc chắn sẽ đẩy Canada vào thế khó khi quay lại bàn đàm phán, cho dù Ottawa lựa chọn quay lại thỏa thuận song phương với Mỹ hay cố gắng đạt được thỏa thuận cuối cùng có sự tham gia của cả 3 bên.

Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đạt được nhất trí cuối cùng về NAFTA vào cuối tuần này để có thể khởi động tiến trình gửi thông báo lên Quốc hội (90 ngày) và Tổng thống Pena Nieto kịp đặt bút ký trước khi rời nhiệm sở vào ngày 1/12 tới đây.

Đây sẽ là thời cơ tốt để Canada đẩy mạnh các nỗ lực cuối cùng trước khi đi đến nhất trí về phiên bản NAFTA mới, cho dù có thể sẽ phải hy sinh một số lợi ích trong chuỗi quản lý nguồn cung ngành trứng sữa theo như lời khuyên của cựu Thủ tướng Brian Mulroney, cố vấn thương mại đặc biệt của Thủ tướng Trudeau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.