Liệu EU có thể duy trì vị thế đối tác kinh tế lớn nhất của châu Phi?

Trái ngược với đánh giá của nhiều người, EU vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi. Mặc dù tốc độ hợp tác có thể chưa theo kịp Bắc Kinh, song Brussels vẫn giữ thế thượng phong trong cuộc đua.
Liệu EU có thể duy trì vị thế đối tác kinh tế lớn nhất của châu Phi? ảnh 1Tàu chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Port Elizabeth của Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang Báo cáo châu Phi (theafricareport.com) mới đây đăng bài phân tích nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong duy trì vai trò đối tác kinh tế lớn nhất của châu Phi với tư cách là một khối, cạnh tranh trực tiếp với vị thế đối tác thương mại lớn nhất theo góc độ quốc gia riêng lẻ của Trung Quốc.

Theo bài viết, trái ngược với đánh giá của nhiều người, EU vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi. Mặc dù tốc độ hợp tác có thể chưa theo kịp Bắc Kinh, song Brussels vẫn giữ thế thượng phong trong cuộc đua.

Các quan chức châu Âu cho biết, nhịp điệu đó tiếp tục được duy trì để đẩy nhanh tiến độ hợp tác, đây là lý do khiến EU cố gắng điều chỉnh các công cụ tài chính để thực hiện chính sách hành động đối ngoại của Cộng đồng châu Âu.

Đầu tư vào châu Phi: 57% từ EU và 10% từ Trung Quốc

Năm 2018, EU đã cung cấp hơn 74 tỷ euro (87,5 tỷ USD) từ tất cả các cơ chế và các quốc gia thành viên - chiếm 57% tổng số vốn đầu tư hợp tác, so với chỉ 10% từ Trung Quốc. Nhưng rất ít người nhận thức được sự khác biệt này.

Dựa trên đề nghị tháng 12/2019 của Ủy ban Thông thái (Committee of the Wise) với mục tiêu thúc đẩy sự gắn kết và tạo mối quan hệ hợp tác mới với châu Phi, Ủy ban châu Âu đã thông qua đề xuất được đưa ra trước đó vào tháng 6/2018 để hợp nhất nhóm các công cụ tài chính trong hợp tác với bên ngoài.

[Châu Phi cần nhận thức giá trị để tự quyết định tương lai]

Nếu nguyên tắc này được phê chuẩn tại các cuộc đàm phán đang diễn ra về ngân sách Cộng đồng châu Âu giai đoạn 2021-2027, Công cụ Hợp tác phát triển, láng giềng và hợp tác quốc tế (NDICI - Neighbourhood, Development and International Cooperation Instrument) mới này sẽ có nguồn vốn tổng thể trị giá 32 tỷ euro dành cho khu vực phía Nam Sahara châu Phi, cộng thêm 22 tỷ euro cho chính sách láng giềng giữa hai lục địa được thông qua nhằm giải quyết những quan ngại ở Bắc Phi.

Việc tái sắp xếp các quỹ này đã và đang làm nóng lại cuộc tranh cãi dai dẳng về thể chế giữa Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) với Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), đồng thời một số người đã nghĩ đến viễn cảnh thành lập một “siêu ngân hàng phát triển châu Âu” - nhiều thành viên của Ủy ban Thông thái cũng đề xuất nội dung này.

Việc hình thành công cụ tài chính như vậy sẽ giúp tăng cường phạm vi bao quát của Kế hoạch đầu tư châu Âu (EIP) - chương trình đầy tham vọng được Ủy ban châu Âu dưới thời ông Jean-Claude Juncker thông qua năm 2017 và lần đầu tiên đặt khu vực tư nhân lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Ngoài việc giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở các quốc gia đối tác, EIP cung cấp sự bảo đảm của Cộng đồng châu Âu đối với các dự án được hỗ trợ bởi các cơ quan phát triển của các quốc gia thành viên khác nhau, cũng như của các tổ chức tài chính quốc tế. Với quỹ khởi nghiệp năm 2020 ở mức 4,1 tỷ euro, EIP có thể huy động được 44 tỷ euro.

Theo chương trình, Hội nghị thượng đỉnh EU-AU lần thứ sáu sẽ được tổ chức vào tháng 10/2020 nhằm tái định hình mối quan hệ đối tác mới giữa châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã phá vỡ lịch trình và mối quan hệ giữa Brussels với Addis Ababa.

Theo kế hoạch năm 2020, EU đã và đang hoạch định nội dung về quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế và văn hóa với châu Phi. Một Ủy ban châu Âu mới đã đi vào hoạt động từ ngày 01/12/2019 và một tuần sau đó, tân Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đến thăm Addis Ababa, phát đi tín hiệu về tầm quan trọng của châu Phi tới người đồng cấp của bà - Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki.

Ngày 13/3 vừa qua, Josep Borrell - Phó Chủ tịch EC và Đại diện cấp cao của Cơ quan Chính sách đối ngoại và an ninh thuộc EU và Jutta Urpilainen - Cao ủy về Quan hệ đối tác quốc tế đã trình bày chiến lược mới của châu Âu với châu Phi nhằm tạo thêm sức sống mới cho chiến lược được thông qua vào năm 2007.

Ngay trước đó, khoảng 20 ủy viên của EC đã lần đầu tiên đến thủ đô Addis Ababa, Ethiopia để tìm hiểu những kỳ vọng và đề xuất của châu Phi.

Các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ kéo dài suốt mùa Hè trước khi đạt được thỏa thuận vào mùa Thu và thiết lập “quan hệ đối tác mới bình đẳng” dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU-AU lần thứ sáu ở Brussels.

Giới quan sát hy vọng năm 2020 sẽ chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận châu Phi-Caribe-Pacific (ACP) sau hơn 10 năm đàm phán đầy khó khăn. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ tiếp nối Thỏa thuận Cotonou ký kết năm 2000 giữa EU và 79 quốc gia.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Cuộc khủng hoảng COVID-19 chắc chắn làm thay đổi lịch trình châu Âu, dẫn đến thay đổi các ưu tiên của cả hai đối tác. Tâm điểm của cuộc khủng hoảng y tế diễn ra vào tháng Tư vừa qua khiến một EU hậu Brexit phải đối phó với tình huống khẩn cấp của chính "Lục địa Già," trong bối cảnh một số quốc gia thành viên EU đã tỏ ra hoài nghi đối với một số nguyên tắc đoàn kết nội bộ của thể chế này.

Các cuộc họp theo kế hoạch lần lượt bị hủy bỏ và mặc dù số lượng các cuộc hội thảo trực tuyến tăng lên, nhưng một nhà đàm phán của châu Phi cho biết các cuộc thảo luận không đạt được tiến triển đáng kể.

Tình hình không mấy lạc quan đến mức ngay cả các quan chức của cả EU và AU phải tự hỏi “liệu có thực sự cần thiết phải tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chỉ có giá trị biểu tượng không?”

Cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn ngần ngại khi đề cập đến chủ đề này tại Brussels - các quan chức châu Âu vẫn đang chờ đợi phản ứng từ châu Phi để cung cấp nội dung cho “khung hợp tác chung” được công bố tại thủ đô của Bỉ vào tháng Ba vừa qua.

Có lẽ EC không để điều này xảy ra: Tài liệu được cơ quan này công bố vẫn còn nguyên như chưa ai đụng chạm đến với 5 khía cạnh chính của chiến lược: Chuyển đổi xanh; Chuyển đổi kỹ thuật số; Tăng trưởng bền vững và việc làm; Hòa bình và quản trị; Di cư.

Các tình huống thực tế đã làm đình trệ cuộc tranh luận trên khắp châu Phi và củng cố ấn tượng từ hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Abidjan của một châu Âu thoát ly thực tế. EU đã không thể thu được lợi ích từ bản chất độc đáo của mối quan hệ với lục địa châu Phi.

Trung Quốc đã vượt lên trên EU bởi trong vài tuần, cường quốc châu Á đã nhanh chóng hỗ trợ châu Phi trong khi Brussels phải vật lộn để có được 15 tỷ euro nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của lục địa này.

Phía châu Phi có thể chưa đưa ra chiến lược riêng, nhưng lục địa này đã nỗ lực thiết lập Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) vốn được kỳ vọng sẽ mang lại cho châu Phi tiếng nói trong đàm phán với tất cả các đối tác toàn cầu. Không thể kiên nhẫn để chờ đợi mối quan hệ đối tác cân bằng mà châu Âu đã hứa hẹn trong nhiều năm, châu Phi có thể tìm kiếm các cơ hội khác.

Một quan chức ngoại giao EU cho rằng Liên minh châu Âu sẽ có thể đóng vai trò của một người ủng hộ tài chính hoặc một nhà điều hành an ninh.

Đây sẽ là kịch bản đầy khó khăn đối với tân Chủ tịch EC Ursula von der Leyen bởi bà sẽ phải thuyết phục các quốc gia thành viên và Cộng đồng châu Âu trao quyền “để làm nhiều hơn cho châu Phi.”  Đó là trong trường hợp nếu EU không muốn một bên khác thay thế vị trí của tổ chức này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.