Theo Tân Hoa xã, năm 2018 đã chứng kiến nhiều sự kiện an ninh và chính trị quan trọng tại Libya, song không có thỏa thuận thực sự nào chấm dứt được sự chia rẽ chính trị vốn đã gây nguy hiểm cho nước này kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, những phong trào khủng bố và cực đoan trong những tháng gần đây cho thấy những trở ngại cho bối cảnh chính trị của Lybia trong năm 2019.
Mối nguy hiểm tiếp diễn
Farhat al-Badri - nhà nghiên cứu về các nhóm khủng bố - nói: "Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) cho thấy họ có khả năng rất lớn để tấn công bất chấp việc mất thành trì tại Sirte hai năm trước đây. IS đã tiến hành các cuộc tấn công gây chết người tại thủ đô Tripoli, khiến chính phủ lúng túng trong việc chấm dứt thực sự mối đe dọa từ các nhóm cực đoan tại nước này."
Trao đổi với Tân Hoa Xã, al-Badri nói: "Nhóm cực đoan đã tiến hành ba vụ nổ gây thương vọng tại Tripoli, nhằm vào trụ sở và lợi ích của Libya, qua đó gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế và người Libya rằng nhóm này có khả năng dịch chuyển và tấn công tại bất cứ nơi nào mà họ muốn."
Nhà nghiên cứu này cảnh báo: "IS đã chứng minh rằng tổ chức này đã làm những điều cần thiết để tiến hành các vụ tấn công đẫm máu, làm xói mòn lòng tin vào các cơ quan an ninh và khiến họ cảm thấy như có một mục tiêu vào bất kể lúc nào."
Hồi tháng 5/2018, IS đã tiến hành một vụ tấn công liều chết nhằm vào các trụ sở của Ủy ban bầu cử quốc gia khiến 14 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Tiếp đó vào tháng 9, trụ sở của Công ty dầu khí quốc gia cũng bị tấn công khiến 2 người thiệt mạng. Tuần cuối cùng của năm 2018, IS đã tấn công trụ sở của Bộ Ngoại giao tại thủ đô Tripoli và làm 2 người thiệt mạng và hơn 10 người khác bị thương.
Nhóm cực đoan cũng đe dọa tiến hành hàng loạt vụ tấn công liên tiếp trong năm 2019 nhằm vào trụ sở các cơ quan của Libya và lực lượng vũ trang tại miền Đông và Tây của nước này.
Iman Jalal, Giáo sư Đại học, cho biết các cơ quan an ninh trực thuộc Bộ Nội vụ đang hứng chịu một loạt vụ tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng có tổ chức. Bên cạnh đó là việc chồng chéo nhiệm vụ dưới danh nghĩa lực lượng bán quân sự.
Trao đổi với Tân Hoa xã, bà nói: "Đó là điều khiến các cơ quan của nước này thiếu đi sự hợp tác."
Bộ trưởng Nội vụ Fat'hi Bashagha cho biết bộ này đang phải hứng chịu một vụ tham nhũng tài chính và hành chính lớn, "một thực tế cần phải bị loại bỏ và kiểm soát tốt."
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải tạo, giáo dục lại tất cả thành viên của các nhóm vũ trang và đưa họ gia nhập bộ này. Trong cuộc họp báo chung với Bashagha vài giờ sau cuộc tấn công liều chết nhằm vào trụ sở của Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Mohamed Sayala nhấn mạnh sự cần thiết phải dỡ bỏ phần nào lệnh cấm vũ khí quốc tế đối với Libya nhằm tăng cường khả năng an ninh.
Đe dọa các trụ sở cơ quan
Các nhà quan sát cho biết các trụ sở cơ quan mục tiêu mang biểu tượng quan trọng bên cạnh tầm quan trọng sống còn của họ. Khalid al-Tarhouni - nhà nghiên cứu chính trị nói: "Ủy ban bầu cử quốc gia tượng trưng cho con đường ổn định của đất nước và kết thúc giai đoạn quá độ. Công ty dầu khí quốc gia là xương sống của nền kinh tế Libya và nhà cung ứng duy nhất của nền kinh tế."
"Bộ Ngoại giao nắm giữ hy vọng ngoại giao để trao đổi các sứ mệnh ngoại giao và đại sứ quán tại thủ đô và đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột," ông bổ sung.
Theo al-Tarhoini, IS không tiến hành các vụ tấn công liều chết mà không nghiên cứu. Thay vào đó, các cuộc tấn công là nhằm gây thiệt hại về vật chất và con người, và quan trọng nhất, nỗi sợ hãi tâm lý.
"Các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Bộ Ngoại giao là tồi tệ nhất và gây hậu quả tiêu cực nhất đối với Libya," al-Tarhouni nói. Ông giải thích rằng một số đại sứ quán và phái bộ ngoại giao đã chuẩn bị quay trở lại Tripoli, muộn nhất là vào quý 1/2019, tuy nhiên tất cả kế hoạch này đã bị hoãn lại vì các cuộc tấn công cho thấy nguy cơ cũng như mối đe dọa của các phong trào khủng bố và cực đoan.
Hầu hết các đại sứ quán nước ngoài và các công ty tại Libya đều rời khỏi nước này trong năm 2014 vì các vụ xung đột bạo lực bùng phát tại Triopli giữa các nhóm vũ trang thù địch, vốn dẫn đến sự chia rẽ chính trị hiện nay tại đất nước này.
Sirte, nằm cách thủ đô Tripoli 450 km về phía Đông, đã chứng kiến nhiều tháng tranh đấu giữa lực lượng liên quân của chính phủ do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn và IS, kết thúc vào tháng 12/2016 với lực lượng chính phủ tiếp quản thành phố này. Chính phủ cho biết IS vẫn là mối đe dọa đối với lực lượng an ninh quốc gia, mặc dù đã bị thua trận tại Sirte.
Kéo dài cuộc khủng hoảng
Các cuộc tấn công khủng bố gần đây không chỉ cho thấy IS tiếp tục đặt ra mối đe dọa đối với tình hình an ninh và ổn định của đất nước này, mà còn chứng tỏ mức độ khó khăn cho tiến trình chính trị ở Libya.
Libya đang trải qua tình trạng bất ổn, hỗn loạn và chia rẽ về chính trị kể từ khi chế độ của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Bất chấp việc ký kết một thỏa thuận chính trị được Liên hợp quốc bảo trợ giữa các đảng đối lập tại Libya vào năm 2015, Libya vẫn chia rẽ về mặt chính trị giữa giới chức ở miền Đông và miền Tây, cả hai đều tranh cãi về tính hợp pháp.
Các nhà phân tích nhất trí rằng mục tiêu của Ủy ban bầu cử quốc gia gửi một thông điệp rằng công tác tổ chức bầu cử đối mặt với những khó khăn rất lớn về an ninh và chính trị, trong bối cảnh lực lượng an ninh thất bại trong việc đối phó với các cuộc tấn công như vậy và tình trạng chia rẽ vẫn tiếp diễn giữa các đảng chính trị.
[Mỹ lên án mạnh mẽ vụ khủng bố ở trụ sở Bộ Ngoại giao Libya]
Trong những tháng gần đây, cả Pháp và Italy đã tổ chức hội nghị về Libya nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. Ngay cả Libya cũng đang chuẩn bị tổ chức một hội nghị với sự góp mặt của các chính đảng trong tháng 1 này và cũng có kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp và tiến hành bầu cử vào mùa Xuân 2019.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự thành công của những kế hoạch này vẫn phụ thuộc vào khả năng vượt qua những vật cản mà hội nghị trên và các cuộc bầu cử đã được lên kế hoạch đang phải đối mặt./.