Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã giảm mạnh so với tháng trước đó.
Đây là số liệu chính thức đầu tiên được Trung Quốc công bố, phản ánh tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ sau khi dịch bệnh này bùng phát.
Mặc dù chỉ số liên quan xấu đi không có gì bất ngờ, nhưng tình hình đã nghiêm trọng hơn dự báo của thị trường.
Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 2/2020 và chỉ số PMI giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, làm gia tăng mối lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 29/2 cho biết, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2/2020 đã giảm mạnh từ ngưỡng 50 điểm của tháng 1/2020 xuống còn 35,7 điểm.
PMI lấy 50 làm đường phân giới, trên 50 điểm thể hiện toàn bộ các ngành nghề đang mở rộng, dưới 50 điểm phản ánh sự co lại về tổng thể.
[COVID-19 giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc và Hong Kong]
Trong số đó, với các ngành sản xuất sợi hóa học, thiết bị thông dụng, thiết bị chuyên dụng, ôtô…, PMI đều giảm xuống dưới 30 điểm; với các ngành chế biến thực phẩm nông-lâm-ngư và gia súc, thức ăn và đồ uống đảm bảo nhu nhu cầu cuộc sống cơ bản, PMI vẫn duy trì ở mức trên 42 điểm; với ngành sản xuất dược liệu đảm bảo về sức khỏe y tế và khám chữa bệnh, chỉ số PMI ở mức 39,7 điểm, cao hơn mức chung của ngành sản xuất.
Trong khi đó, chỉ số PMI ở các ngành phi sản xuất cũng giảm xuống mức kỷ lục, còn 29,6 điểm so với con số 54,1 điểm của tháng 1/2020, cho thấy tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với các ngành nghề liên quan đã nghiêm trọng hơn.
Nhu cầu các ngành tiêu dùng mang tính tập trung đông người như giao thông vận tải, khách sạn, ăn uống, du lịch và dịch vụ dân cư - vốn “đứng mũi chịu sào” trong dịch bệnh - đã sụt giảm mạnh, với PMI trong các lĩnh vực liên quan đã giảm xuống dưới 20 điểm.
Trong tháng 2/2020, chỉ số sản xuất PMI tổng hợp chỉ ở mức 28,9 điểm, giảm mạnh 24,1 điểm so với tháng trước, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc đã chậm lại rõ rệt.
Đây là số liệu đầu tiên được Trung Quốc công bố chính thức, phản ánh tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế kể từ sau khi dịch bệnh này bùng phát.
Ông Trương Ngạn Nguyên - chuyên gia kinh tế trước đây công tác tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc - đã chỉ ra rằng những dự đoán trước đó, vốn bác bỏ lực cản trung và dài hạn do virus SARS-CoV2 gây ra đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là "suy nghĩ mang tính mơ ước."
Chuyên gia Trương Ngạn Nguyên - hiện làm việc tại công ty tài chính CFC - một doanh nghiệp môi giới do Công ty Chứng khoán CITIC điều hành, cho rằng dựa trên tỷ lệ phần trăm số doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động, việc sử dụng năng lượng, lưu lượng hành khách, lượng container đưa vào và các chỉ số khác, có thể thấy nền kinh tế Trung Quốc trong tháng Hai tăng trưởng yếu hơn nhiều so với các mức giảm ước tính.
Nhận xét của chuyên gia Trương Ngạn Nguyên dường như đập tan hy vọng về những mục tiêu chính thức của Chính phủ Trung Quốc vào năm 2020, bao gồm tăng trưởng GDP đạt mức khoảng 6%.
Hầu hết các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo của họ đối với tăng trưởng GDP Trung Quốc xuống từ 4% đến 5% và Bắc Kinh có vẻ chắc chắn sẽ phải sửa đổi các số liệu của mình.
Về khả năng phục hồi
Trong khi đó, Trương Vũ Đào, chuyên gia phân tích vĩ mô thuộc Viện nghiên cứu Ngân hàng Dân Sinh (Trung Quốc) chỉ rõ dữ liệu trên “cho thấy dịch bệnh trong ngắn hạn đã gây ra tác động lớn đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc."
Tuy nhiên, ông cho rằng với việc dịch bệnh ngày càng được kiểm soát tích cực, trọng tâm chính sách sẽ chuyển hướng sang phòng ngừa tác động tiêu cực của dịch và duy trì hoạt động ổn định của nền kinh tế xã hội, nới lỏng các hạn chế về lưu thông đi lại, giúp tỷ lệ phục hồi lao động sản xuất và việc làm tăng lên, tiêu dùng của người dân và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dần khôi phục, PMI tháng Ba sẽ có triển vọng phục hồi đáng kể.
Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc Đại lục đã được cải thiện rõ rệt, khi số ca mắc mới ngày càng giảm, trong khi số người được chữa khỏi, bình phục ngày càng tăng.
Dư luận phổ biến cho rằng việc Trung Quốc sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt đã dẫn đến sự đình trệ của các hoạt động trong nước, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc trong quý 1/2020
Ước tính lạc quan là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 sẽ giảm xuống 4%, trong khi quan điểm bi quan là tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 1,5%.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên tại Washington cho biết nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 1/2020 do việc đình công trên diện rộng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan với tốc độ chóng mặt.
Tuy nhiên, quan chức này tin rằng trừ khi tình hình dịch bệnh xấu đi, nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thể phục hồi nhanh chóng.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020 sẽ chậm lại mức 5,6%.
Một số chuyên gia lo ngại rằng sau khi dịch bệnh lan ra nhiều quốc gia, nguy cơ bùng phát dịch trên toàn cầu sẽ tăng lên và tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế các nước trong thời gian tới là rất khó đoán định.
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nói trong một tuyên bố: “Trong kịch bản tham khảo hiện tại của chúng tôi, khi các chính sách đã công bố được thực hiện và nền kinh tế của Trung Quốc sẽ trở lại bình thường trong quý 2/2020. Kết quả là tác động đối với nền kinh tế thế giới sẽ tương đối nhỏ và tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xem xét các kịch bản khủng khiếp hơn khi sự lây lan của virus COVID-19 tiếp tục kéo dài và lan rộng hơn trên toàn cầu, khi đó những hậu quả đối với tăng trưởng sẽ kéo dài hơn.”
Các bộ ngành của Trung Quốc gần đây đã đưa ra một loạt các biện pháp để “giải vây” cho nền kinh tế trong nước, thông qua việc thúc đẩy việc phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp.
Tính đến ngày 25/2, qua khảo sát giám đốc kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp lớn và vừa là 78,9%, trong đó tỷ lệ phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất lớn và vừa là 85,6%./.