Liệu Mỹ đã bước qua giai đoạn tồi tệ nhất về lạm phát?

Chỉ số CPI của Mỹ đã tăng 8,5% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đôi chút so với dự đoán của thị trường và mức 7,9% ghi nhận trong tháng Hai.
Liệu Mỹ đã bước qua giai đoạn tồi tệ nhất về lạm phát? ảnh 1Người dân mua thực phẩm trong siêu thị tại Glendale, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình hình lạm phát tại Mỹ ngày càng diễn biến xấu hơn trong thời gian qua.

Nhưng điều tồi tệ nhất có thể đã qua đi. Ít nhất đó dường như là nhận định của Phố Wall sau khi Cơ quan thống kê lao động Mỹ (BLS) công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Ba.

Chỉ số CPI đã tăng 8,5% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đôi chút so với dự đoán của thị trường và mức 7,9% ghi nhận trong tháng Hai.

Cả hai con số này đều là mức cao nhất trong 40 năm qua do giá thực phẩm và năng lượng tiếp tục leo thang.

[Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu cảm nhận tác động của lạm phát]

Số liệu trên được xem là báo cáo đầu tiên cho thấy sự tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá xăng tại Mỹ đã tăng 18,3% trong tháng 3, chiếm khoảng một nửa mức tăng chung của CPI.

Trong khi đó, giá năng lượng tổng thể trong tháng 3 đã tăng 11% so với tháng trước đó, trong đó giá dầu nhiên liệu tăng 22,3%.

Một số yếu tố khác tác động đến lạm phát tại Mỹ như giá thực phẩm tăng 1%, giá nhà ở, bao gồm nhà thuê, tăng 0,5%.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Ben Ayers thuộc công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide cho rằng tháng 3 có thể là tháng đỉnh điểm về lạm phát hằng năm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay cùng với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn, chỉ số lạm phát ở mức cao sẽ vẫn duy trì đến hết năm nay và sang năm 2023.

BLS cho biết sự gia tăng trong các chỉ số giá xăng, chỗ ở và thực phẩm là yếu tố đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung của mọi mặt hàng (đã được điều chỉnh theo mùa). Trong đó, chỉ số giá xăng tăng 18,3%, chiếm hơn một nửa mức tăng chung cả tháng, trong khi các chỉ số năng lượng khác cũng đi lên. Còn chỉ số giá thực phẩm tăng 1%, và chỉ số giá thực phẩm trong nước tăng 1,5%.

Trong khi dó, chỉ số CPI “cốt lõi,” không tính giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 6,5% trong tháng trước, thấp hơn một chút so với dự đoán, cho thấy lạm phát tiếp tục là vấn đề về thực phẩm và năng lượng. Tuy nhiên, lạm phát giá nhà ở đang bắt đầu đóng góp vào lạm phát nói chung.

Liệu Mỹ đã bước qua giai đoạn tồi tệ nhất về lạm phát? ảnh 2Các kệ hàng tại một chợ bán thực phẩm ở Arlington, Virginia, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dù là chỉ số CPI hay CPI cốt lõi, thì số liệu tháng Ba nói trên cũng một lần nữa cho thấy vấn đề lạm phát của Mỹ đang ngày càng xấu đi, khiến hộ gia đình trung bình khó khan hơn để mua được những vật dụng thường dùng.

Nhưng liệu điều tồi tệ nhất đã qua đi? Đây dường như là nhận định của Phố Wall, ít nhất là dựa trên phản ứng ban đầu của cả thị trường chứng khoán và tín dụng sau khi các số liệu trên được công bố.

Chẳng hạn như, tất cả các chỉ số chứng khoán lớn đều tăng hơn 1%, trong đó đáng chú ý, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng đến 2% trong phiên giao dịch ngày 13/4.

Thế nhưng, rất khó để đoán được khi nào tình trạng lạm pháp cao này sẽ kết thúc. Lạm phát vừa là một “trò chơi” về các con số, vừa là vấn đề về cung cầu.

Ở khía cạnh là trò chơi con số, lạm phát là sự thay đổi tích lũy của chỉ số CPI, và vì thế được dự đoán sẽ giảm xuống. Nhưng mọi thức trở nên phức tạp hơn khi xét theo khía cạnh cung cầu.

Giá thực phẩm và năng lượng được quyết định bởi các yếu tố địa chính trị như căng thẳng Nga-Ukraine, vốn khó đoán định. Ngoài ra, giá thực phẩm còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết vốn còn khó lường hơn.

Một chỉ báo tốt cho việc liệu lạm phát được dự đoán sẽ cải thiện hay xấu đi là cách các doanh nghiệp nhỏ dự định sẽ điều chỉnh giá của mình với các chi phí gia tăng như thế nào.

Lạm phát tăng mạnh đã khiến người Mỹ phải điều chỉnh lại cách chi tiêu. Theo một khảo sát của kênh truyền hình CNBC (Mỹ), 76% số người Mỹ lo ngại về lạm phát sẽ buộc họ phải nghĩ lại về các lựa chọn tài chính.

Chỉ số giá tiêu dùng, đo giá cả của rổ hàng hóa và dịch vụ, trong tháng Hai tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá tăng đối với mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm đến khí đốt.

Theo khảo sát trực tuyến được thực hiện trong hai ngày 23-24/3 đối với 3.953 người trưởng thành, 48% luôn nghĩ về việc giá cả tăng. 3/4 số người tham gia khảo sát lo ngại giá cả tăng sẽ buộc họ nghĩ lại về các lựa chọn tài chính trong những tháng tới.

Phân tích của Moody’s Analytics cho thấy lạm phát khiến các gia đình tại Mỹ phải tiêu tốn thêm trung bình 296 USD/tháng. Các chuyên gia nhận định tình hình có thể sẽ còn xấu hơn.

Tuy nhiên, tác động đến chi tiêu tiêu dùng không lớn, dù doanh số bán lẻ trong tháng Hai tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến.

Khoản chi tiêu bị cắt giảm mạnh nhất là ăn ngoài, với 53% số người được hỏi trả lời như vậy. 39% cho biết họ cũng ít chạy xe hơn và cắt các dịch vụ thuê bao hàng tháng, cũng như cắt giảm các khoản chi khác. Nếu giá tiếp tục tăng, việc đi ăn ngoài, chạy xe và đi nghỉ là những khoản chi mà người Mỹ dự kiến sẽ cắt giảm nhiều hơn.

Một điều chắc chắn là năm 2021 là một năm khó khăn với nhiều người. 52% cho biết họ gặp nhiều khó khăn về tài chính hơn so với một năm trước. Điều gây lo ngại nhất là về giá khí đốt, giá nhà và giá thực phẩm.

Trong năm ngoái, giá khí đốt tăng 38%, giá nhà tăng 4,7% và giá thực phẩm tăng 7,9%. Đa phần người Mỹ hiện lo ngại về suy thoái kinh tế, với 81% cho rằng nền kinh tế có thể suy thoái trong năm nay.

Trong khi đó, American Express mới đây đã công bố Báo cáo về sự phục hồi của doanh nghiệp nhỏ, trong đó theo dõi tình hình của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ.

Báo cáo đã cung cấp một số thông tin chi tiết khả quan về cách các doanh nghiệp nhỏ đang thích ứng với thị trường biến động như thế nào khi họ đã có điều chỉnh theo lạm phát, thay vì chỉ tập trung giải quyết những thách thức đặt ra do đại dịch.

Ví dụ, các doanh nghiệp nhỏ đã tăng giá thêm 21% trên khắp các ngành, chủ yếu do chi phí gia tăng từ các nhà cung cấp (54%) và nguyên vật liệu thô (45%).

Vậy còn khả năng tăng giá trong tương lai? Theo báo cáo trên, 65% các doanh nghiệp nhỏ dự định sẽ giữ giá ở các mức hiện tại trong sáu tháng tới, trong khi 18% cho biết có dự định sẽ tăng giá lên cao hơn nữa. Đây chắc chắn là một tin tốt, vì dự định này của các doanh nghiệp sẽ giúp lạm phát giảm dần./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.