Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy và hệ thống thương mại thế giới đối mặt với các rào cản ngày càng tăng, các nền kinh tế châu Á phải tăng cường hợp tác khu vực và cấp bách tìm ra phương cách đạt được tăng trưởng bền vững.
Đây là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 (BFA), diễn ra từ ngày 26-29/3 ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.
Báo cáo BFA 2019 cho hay nền kinh tế châu Á vẫn tương đối mạnh mẽ cho dù nền kinh tế ở các thị trường mới nổi nói chung đang chậm lại. Hiện nay, châu Á đang trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong số sáu lục địa.
Tổng lượng GDP của khu vực này đạt 29.520 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 36,6% tổng lượng GDP của thế giới, lớn hơn 31% so với Bắc Mỹ (22.500 tỷ USD) và lớn hơn 46% so với châu Âu (20.210 tỷ USD).
Thậm chí ngay cả trong xu hướng giảm hiện nay của nền kinh tế thế giới, châu Á vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều. Theo Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới" của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP của thế giới được ước tính là 3,5% cho năm nay và 3,6% cho năm kế tiếp, song cả hai chỉ số này đều thấp hơn mức 3,7% của năm 2018.
[Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi các nước châu Á hợp tác để phát triển]
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi của châu Á trong năm ngoái đã duy trì tốc độ tăng trưởng 6,5%. GDP của các nước mới nổi và đang phát triển tại châu Á sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm nay và 6,4% cho năm tới, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới. Điều này tương phản với mức tăng trưởng kinh tế chậm chạp của các thị trường mới nổi nói chung.
Theo số liệu được tiết lộ trong báo cáo BFA, 11 nền kinh tế mới nổi (E11 - gồm Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ) đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm từ mức 5,2% của năm 2017 xuống 5,1% trong năm 2018.
Diễn đàn BAF năm nay còn chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2018 không thay đổi nhiều so với năm 2017. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi mạnh mẽ ở các nền kinh tế cá nhân, chẳng hạn như Mỹ, lại không được duy trì.
Các yếu tố như chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư đang thịnh hành, những điều không chắc chắn liên quan đến diễn biến của cuộc tranh chấp thương mại Trung-Mỹ, khả năng nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy yếu và tác động lan tỏa từ những điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô của các nước phát triển sẽ gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai của các thị trường mới nổi.
Ví dụ, nếu Mỹ áp mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này sẽ làm giảm 0,9 điểm % tăng trưởng của châu Á và thậm chí nhiều hơn đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ của Mỹ cũng gây quan ngại bởi nếu chính sách này quay trở lại trung lập hay thậm chí nới lỏng, sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và đặc biệt là nợ công của các nước mới nổi.
Tuy nhiên, châu Á được đánh giá ít bị tác động bởi việc giảm nợ, do nhân tố then chốt của sức cạnh tranh quốc gia trong khu vực là nền kinh tế thực chất. Do trao đổi tiền tệ giữa các nền kinh tế châu Á rất phát triển, nên khu vực này ít bị ảnh hưởng bởi biến động bên ngoài khu vực.
Bên cạnh đó, quá trình tăng lãi suất bằng đồng USD có thể sẽ chậm lại hoặc thậm chí là kết thúc. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện cho lưu thông dòng vốn trong các nền kinh tế châu Á, đem lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế khu vực.
Do đó, các đại biểu tham dự diễn đàn đều có nhận định chung rằng những điều không chắc chắn đang ràng buộc các nền kinh tế châu Á gần nhau hơn bao giờ hết bằng cách thúc đẩy tiến trình hội nhập.
Đáng chú ý, các đại biểu còn khuyến cáo rằng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang lên ngôi, các nền kinh tế mới nổi không thể lợi dụng chủ nghĩa bảo hộ để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ, mà cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn vốn nước ngoài.
Trong giai đoạn 2017-2018, 17 thỏa thuận mới đã được ký kết và 70 thỏa thuận song phương đang được triển khai. Các nước châu Á đang ngày càng trở nên không thể tách rời về thương mại và đầu tư.
Giá trị gia tăng trong xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á đã bùng nổ, trong đó Trung Quốc đóng góp nhiều nhất. Còn từ năm 2010-2017, giá trị gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 14,5%, đối với Campuchia tỷ lệ này là 14,4% và Ấn Độ là 7,8%.
Chỉ số phụ thuộc FDI vào nội địa châu Á đã tăng trong 4 năm liên tiếp và ghi nhận ở mức 54,65% trong năm 2017, so với 52% của năm 2016.
Để đối phó với những bất trắc, châu Á cũng cần phải thử mọi cách để hỗ trợ cho sự đổi mới. Sự đổi mới sẽ đem lại nhiều công nghệ, qua đó tạo ra những cơ hội. Châu Á hiện có tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn và dự kiến sẽ trở thành khối hợp tác khu vực lớn nhất thế giới.
Để đạt được mục tiêu trên và duy trì vị thế đầu tàu thế giới về tăng trưởng, châu Á cần tăng cường nỗ lực để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác khu vực bằng cách xây dựng các tổ chức thương mại khu vực./.