Litva mong muốn nhập khẩu nông sản, cá da trơn của Việt Nam

Tại Litva, hầu như chưa có các sản phẩm hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, đây cũng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.
Litva mong muốn nhập khẩu nông sản, cá da trơn của Việt Nam ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Tại "Hội nghị cơ hội hợp tác từ Lithuania cho doanh nghiệp Việt Nam" do Đại sứ quán Lithuania (Cộng hòa Litva) tại Việt Nam phối hợp với Công ty SaigonStar tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/2, bà Ina Marciulionyte, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lithuania tại Việt Nam cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam-Lithuania là vô cùng lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục và du lịch.

Theo bà Ina Marciulionyte, Việt Nam và Lithuanlia có mối quan hệ ngoại giao rất tốt đẹp, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp khai thác được các cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, do đó, kim ngạch trao đổi hàng hóa còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của hai quốc gia.

Thông qua hội nghị và các chương trình kết nối doanh nghiệp sắp tổ chức, Lithuania mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư, trao đổi thương mại với Việt Nam trong thời gian tới.

Về công nghiệp, Việt Nam-Lithuania có thể đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà Lithuania có thế mạnh như công nghệ sinh học, thiết bị y tế, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo...

Đặc biệt, Lithuania đang rất cần nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin và sẵn sàng cấp giấy phép làm việc lâu dài cho những lao động Việt Nam đủ điều kiện.

Ông Mindaugas Kuklierius, Tùy viên nông nghiệp Lithuania tại Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mông Cổ cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, Lithuania có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu bơ sữa, thực phẩm chế biến từ thịt, đồ uống, nguyên liệu làm bánh.

Về thủy sản, Lituania có thế mạnh với các mặt hàng cá hồi, cá trích, cá tuyết... Ngược lại, Lithuania mong muốn nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng rau, củ, trái cây và các loại cá da trơn.

Còn theo đại diện Công ty Tân Đại Dương, đơn vị nhập khẩu thịt gà từ Lithuania về Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng của Lithuania về Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, các công ty Việt Nam chưa có nhiều thông tin về doanh nghiệp của Lithuania nên khả năng kết nối giao thương giữa hai nước còn hạn chế.

Các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn phía Lithuania tăng cường việc giới thiệu các doanh nghiệp, tập đoàn có khả năng cung ứng sản phẩm thường xuyên, số lượng lớn để việc trao đổi hàng hóa được duy trì lâu dài.

Ông Nguyễn Thế Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty SaigonStar, đơn vị tổ chức sự kiện, cho biết tại Lithuania hầu như chưa có các sản phẩm hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á, đây là cơ hội tốt để các mặt hàng thực phẩm, trái cây, hải sản... của Việt Nam dễ dàng tiếp cận.

Mặc dù sức tiêu thụ của Lithuania không lớn nhưng đây là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sắp có hiệu lực, việc tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho cả doanh nghiệp hai bên./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.