Lo lắng vì bọ đậu đen và kiến ba khoang ở Kon Tum và Bến Tre

Bọ đậu đen - loài côn trùng cánh cứng tiếp tục làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của cả trăm hộ dân ở các xã vùng ven thành phố Kon Tum.
Lo lắng vì bọ đậu đen và kiến ba khoang ở Kon Tum và Bến Tre ảnh 1Bọ đậu đen được người dân ở Kon Tum thu gom lại. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Bọ đậu đen - loài côn trùng cánh cứng tiếp tục làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của cả trăm hộ dân ở các xã vùng ven thành phố Kon Tum.

Mặc dù loài côn trùng này xuất hiện liên tục trong 6 năm qua nhưng đến nay tất cả các nỗ lực của ngành y tế Kon Tum vẫn chưa có kết quả.

Theo báo cáo của Sở Y tế Kon Tum, đến ngày 25/6, bọ đậu đen đã xuất hiện tại 110 hộ dân ở 7 xã của thành phố Kon Tum gồm Hòa Bình, Đăk Blà, Ya Chim, Chư H’reng, Ngọc Bay, Đăk Cấm và xã Đăk Năng. Bọ đậu đen chỉ xuất hiện khi mùa mưa đến.

Chúng thường trú ẩn trong nhà dân làm bằng gỗ, tre, mật độ ngày càng tăng, nhất là khi trời mưa nhiều. Bọ đậu đen có mùi hôi, gây cảm giác ngứa tuy nhiên chưa thấy ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người. Loại côn trùng này di chuyển theo bầy đàn, có tính hướng sáng, hoạt động mạnh vào ban đêm, nhất là từ 19-20 giờ.

Ngành Y tế Kon Tum đã đề nghị Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn tiếp tục nghiên cứu sử dụng các loại hóa chất để diệt bọ đậu đen. Người dân sử dụng biện pháp dụ bọ đen bằng cách bật đèn sáng bên ngoài và tắt điện bên trong nhà; tạo các ụ rác ẩm, mục quanh nhà nhằm thu hút loại bọ này đến cư ngụ để thu gom, xử lý (đốt).

Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại hóa chất diệt côn trùng và thuốc bảo vệ thực vật khi chưa có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

Trên địa bàn các xã Vĩnh Bình, Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, kiến ba khoang xuất hiện nhiều, gây lo lắng cho người dân.

Nơi kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất là cồn Phú Bình, xã Vĩnh Bình. Hơn 30 công nhân lao động cho Công ty Thiên Sơn (chuyên đào ao, chống sạt lở cho các hộ nuôi cá) và công nhân nuôi cá của Công ty Cổ phần thủy hải sản An Phú đóng trên cồn Phú Bình, xã Vĩnh Bình bị ngứa ngáy, đau rát, da phồng rộp rất khó chịu sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang. Nhiều người có triệu chứng nóng sốt.

Ông Nguyễn Minh Trung ( quê ở Tiền Giang) làm việc cho Công ty Thiên Sơn tại cồn Phú Bình được hơn 4 năm nay cho biết năm nào cũng thế, khi bắt đầu mùa mưa từ tháng Năm đến tháng 11 là kiến ba khoang xuất hiện.

Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào buổi tối, nhất là khi bật đèn điện. Tối ngủ, thả màn rồi mà kiến vẫn bò lên người. Đưa tay phủi đi là chỗ da đó bị phồng lên, ngứa ngáy, có lúc thì đau rát, nóng đến phát sốt.

Anh Nguyễn Hữu Thiết (quê Vĩnh Long) chỉ cho chúng tôi thấy những vết sẹo cũ lẫn mới do kiến ba khoang gây nên. Những vết sẹo cũ đã liền miệng. Những vết mới thì phồng rộp, sưng đỏ, nổi mủ. Anh đưa tay chỉ lên vùng bị thương một cách nhẹ nhàng để tránh bị đau và nói đụng đến thì đau lắm. Mặc áo vào thì khó chịu, rát vô cùng.”

Loại kiến ba khoang có rất nhiều ở khu vực đồng ruộng, thường xuất hiện vào mùa mưa. Vào ban đêm, chúng bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện từ các nhà rồi bay vào. Các công nhân trên cồn Phú Bình cho biết ban ngày kiến ba khoang thường chui vào những chỗ tối, các ngóc ngách hoặc ở trong áo quần. Nếu không chú ý kỹ khi mặc quần áo thì rất dễ bị kiến bò lên người. Phần lớn các nạn nhân của kiến ba khoang đều tự mua thuốc bôi ngoài da về điều trị nên bệnh rất lâu lành.

Trước tình hình kiến ba khoang xuất hiện nhiều, gây lo lắng cho người dân, ngày 25/6, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách đã tiến hành đi khảo sát, xịt thuốc và tuyên truyền cách phòng tránh kiến ba khoang cho người dân xã Hòa Nghĩa.

Ông Hồ Trung Tuyến, Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Sở Y tế tỉnh Bến Tre) khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng đối với loại kiến ba khoang. Nếu gặp kiến ba khoang thì nên tránh xa và không nên tiếp xúc hay để kiến ba khoang bò lên người. Đây là loại kiến không cắn người nhưng khi chúng tiếp xúc với cơ thể người thì sẽ tiết dịch gây viêm da.

Khi người dân đã bị viêm da do kiến ba khoang gây ra thì hãy đến ngay trạm y tế xã để được khám và phát đúng thuốc điều trị (khoảng 2-3 ngày là lành vết thương), không nên tự ý mua thuốc ở ngoài. Nếu kiến ba khoang xuất hiện trong gia đình nên mua thuốc xịt muỗi để tiêu diệt, sau đó báo cáo với chính quyền địa phương để dùng hóa chất xử lý.

Những người mắc bệnh viêm da cần đến trạm y tế để được khám, cấp thuốc và hướng dẫn điều trị. Nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng.

Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Không nên gãi, vì càng gãi vết thương càng lan rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục