Trong phiên giao dịch ngày 9/7, giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng do dự đoán tình trạng gián đoạn sản xuất dầu mỏ ở Canada kéo dài tới tháng Chín cùng với lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và sản lượng khai thác sụt giảm ở Libya.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/7 tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2018 tăng 0,05 USD lên 73,85 USD/thùng và tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 9/2018 tiến thêm 0,96 USD lên 78,07 USD/thùng.
Chủ tịch Lipow Oil Associates, Andrew Lipow, cho rằng thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục có những yếu tố hỗ trợ khi quan ngại về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran khiến các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và Hàn Quốc giảm nhu cầu mua dầu mỏ xuống mức gần như bằng không.
Trong khi đó, Mỹ muốn giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran, nước khai thác dầu thô lớn thứ 5 thế giới, xuống mức bằng 0 vào tháng 11 tới. Điều này sẽ làm các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác phải tăng cường khai thác hơn nữa để bù vào lượng thiếu hụt từ Iran.
[Iran cáo buộc Tổng thống Mỹ xúc phạm các nước thành viên OPEC]
Theo ông Lipow, các nhà đầu tư lo ngại rằng Saudi Arabia và Nga tăng sản lượng dầu mỏ tới mức không chỉ "trám" vào nguồn cung thiếu hụt từ Iran mà còn bù đắp cho cả nguồn cung bị gián đoạn tại Libya, Nigeria và Canada.
Số liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô ở Cushing, trung tâm giao dịch dầu mỏ hàng đầu của Mỹ, giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5 năm qua.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu ở Mỹ đã tăng thêm năm giàn trong tuần tính đến ngày 6/7, nâng tổng số giàn khoan lên 863 giàn, tăng 100 giàn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, giá dầu thế giới tăng còn do tâm lý lo ngại về sản lượng khai thác giảm sút tại Lybia. Sản lượng dầu của Libya đã giảm hơn một nửa trong 5 tháng qua, khi giảm xuống 527.000 thùng/ngày.
Trong tháng vừa qua, các nước thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, đã đồng thuận tăng sản lượng để hạn chế đà tăng của giá dầu trên thị trường thế giới, cũng như bù đắp sản lượng khai thác thiếu hụt từ nhiều nước khác, trong đó có Libya./.